Kể từ 1/12/2015, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vào bất động sản (BĐS), chứng khoán, ngân hàng, ngoại trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hay doanh nghiệp có ngành nghề chính là những lĩnh vực này.
Đây là nội dung chính của Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và sử dụng, quản lý tài sản, vốn tại doanh nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước có quyền dùng vốn của mình để đầu tư kinh doanh ra bên ngoài, gồm cả đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của Chính phủ, nhất là những "vùng cấm" nêu trên.
Một dự án có vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện
đang khẩn trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Nếu doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép thì phải thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định.
Mặt khác, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã đầu tư. Đồng thời, mọi biến động về tăng vốn, giảm vốn phải được báo lại.
Từ nhiều năm trước, theo chủ trương của Chính phủ, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước phải thoái hết vốn theo lộ trình đối với các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, BĐS. Theo đó, thời gian thực hiện thoái vốn chậm nhất là đến cuối 2015.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính đến cuối năm 2011, những tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành xấp xỉ 23.744 tỷ đồng, lĩnh vực ngân hàng đứng đầu với 11.403 tỷ đồng, theo sau là BĐS với 9.286 tỷ đồng, kế đến là bảo hiểm 1.682 tỷ đồng, lĩnh vực chứng khoán là 696 tỷ đồng và quỹ đầu tư 677 tỷ đồng.
Hiện tại, quá trình thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm trên đã được thực hiện song vẫn chưa được hoàn tất. Tính đến hết tháng 8/2015, tổng giá trị thoái được theo giá sổ sách là 13.797 tỷ đồng, thế nhưng số thực tế thu về đạt 17.777 tỷ đồng.