Ngày 17/2 vừa qua, phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông qua tại quyết định số 226/QĐ-TTg.
Quy hoạch được nghiên cứu trên toàn bộ phần diện tích tự nhiên 2.171,33km2 của huyện Vân Đồn, bao gồm 1.589,5km2 diện tích vùng biển và 581,83km2 diện tích đất liền.
|
Ảnh chụp trên cao một góc biển Vân Đồn. |
Theo đó, Vân Đồn sẽ được quy hoạch kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp. Nơi đây sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo nên dòng sản phẩm hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu, độc đáo, khác biệt và vươn tầm quốc tế.
Thực hiện phát triển Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, đảm bảo sự bền vững về an ninh quốc phòng.
Theo dự báo, quy mô dân số của Vân Đồn đến năm 2030 sẽ là khoảng 140.000-200.000 người, có khoảng 90.000-140.000 người là dân số thường trú với nhu cầu đất sử dụng khu chức năng là khoảng 5.500ha và tăng lên khoảng 12.050ha đến năm 2040.
Không gian khu kinh tế Vân Đồn theo quy hoạch có thể sẽ được chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải với 5 vành đai phát triển. Trong đó, có ba vành đai nằm ở khu vực phía Đông đảo Cái Bầu, gồm vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí; một vành đai nằm ở khu vực phía Tây đảo Cái Bầu là vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần; Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây nằm trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên.
Theo quyết định, chỉ được thực hiện phát triển đất xây dựng tại các khu vực lấn biển khi đã sử dụng hết các quỹ đất phát triển theo quy hoạch các khu chức năng; không chỉ cần đánh giá kỹ các tác động đến vấn đề kinh tế xã hội, cảnh quan môi trường, mà còn cần phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện nghiên cứu triển khai nội dung quy hoạch.
UBND tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện phối hợp cùng Bộ Xây dựng tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch. Thực hiện xây dựng cơ chế chính sách cũng như nguồn lực tài chính, nhân lực để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực cho kinh tế xã hội của Quảng Ninh phát triển tốt hơn nữa.