Ngoài 3 khu công nghệ cao (CNC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM, Việt Nam sẽ có thêm 3 khu CNC được thành lập tại Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội.
Bên cạnh khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP. Hà Nội sẽ có thêm một khu
công nghệ khác
Hôm qua (8/6), Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thế phát triển khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Định hướng phát triển trong thời gian tới là sẽ tăng cường đầu tư và tiếp tục hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại đồng bộ các khu CNC quốc gia, gồm 3 khu CNC là Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng và Tp.HCM.
Mặt khác, sẽ thành lập các khu CNC do tỉnh, thành phố trực thuộc TW đầu tư xây dựng. Hiện các dự án này đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư. Cụ thể, đó là Khu CNC Sinh học Hà Nội (Hà Nội), Khu CNC Ascendas-Protrade (Bình Dương) và Khu CNC chuyên ngành sinh học Đồng Nai (Đồng Nai).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập khu CNC, tiến hành xây dựng đề án gửi Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức thẩm định để trình Thủ tướng xem xét và quyết định.
Nhằm triển khai Quy hoạch đó, Thủ tướng cũng đã quyết định một số giải pháp chủ yếu, chẳng hạn như tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với khu CNC; đồng thời tăng cường phân công cũng như phân cấp đối với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong quản lý khu CNC.
Về vốn đầu tư cho các dự án khu CNC, Thủ tướng chỉ đạo phải đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và khuyến khích xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển các khu CNC. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của các khu CNC quốc gia.
Riêng đối với các khu CNC do các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa, thì hình thức và tổng mức đầu tư sẽ do các tỉnh, thành phố quyết định phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.