VNREA tiếp tục đề xuất chính sách phát triển nhà ở thương mại giá rẻ

  05/04/2017 - 10:34

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tiếp tục đề nghị Chính phủ có chính sách cho việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ (diện tích căn hộ dưới 75m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2).

Vào đầu tháng 4/2017, tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ II nhiệm kỳ IV (2016 - 2021), VNREA đề xuất 5 kiến nghị quan trọng mang tính thời sự đối với thị trường bất động sản năm 2017. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có chính sách cho việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ (diện tích dưới 75m2, giá dưới 15 triệu đồng).

Đây không phải là lần đầu tiên VNREA lên tiếng về kiến nghị chính sách cho nhà ở thương mại giá rẻ. Hồi cuối tháng 11/2016, VNREA đã có văn bản trình Quốc hội báo cáo kết quả Đại hội nhiệm kỳ IV và một số đề xuất về thị trường địa ốc.

nhà ở thương mại giá rẻ
VNREA tiếp tục đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển
nhà ở thương mại giá rẻ.

Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ dưới 75m2), giá bán thấp (dưới 15 triệu đồng/m2). Các cơ chế đề xuất gồm: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư đồng thời có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp.

Chủ tịch VNREA cho biết, thời gian gần đây xuất hiện những dấu hiệu tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực cho thị trường bất động sản như cơ cấu hàng hóa mất sự cân đối, trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp thì trên thị trường hầu hết các dự án lại cung ứng nhà ở cao cấp, khan hiếm nhà giá rẻ, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân có nhu cầu nhà ở. Cả hai thị trường Tp.HCM và Hà Nội đều rất ít căn hộ chung cư mới có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.

Thị trường cũng chứng kiến tình trạng phát triển ồ ạt các dự án, nhất là tại các thành phố lớn mà không căn cứ vào kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm. Mặt khác, do nguồn vốn hỗ trợ cũng như việc các chính sách có liên quan đến nhà ở xã hội chưa được giải quyết triệt để hoặc đáp ứng phù hợp với thực tiễn nên phân khúc này có phần chững lại.

Khi thị trường nhà đất khó khăn, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà thương mại giá rẻ (ngoài việc hỗ trợ mua nhà xã hội) đã giúp thị trường tiêu thụ nhanh chóng phân khúc này. Cũng nhờ có tín dụng ưu đãi (5%/năm trong 15 năm), người mua nhà mới đủ khả năng chi trả cho căn hộ thương mại giá rẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm cho biết, sau khi kết thúc gói 30 nghìn tỷ đồng, nhà ở xã hội hiện đã có chính sách mới về tín dụng còn nhà thương mại giá rẻ thì chưa.

Theo chuyên gia này: “Nhà nước nên tập trung tín dụng vào việc phát triển nhà ở giá rẻ phổ cập. Tức là bán với mức giá sẽ từ 10-15 triệu đồng/m2 do đơn vị tự định giá. Nếu đơn vị nào thực hiện như vậy thì sẽ được vay vốn hỗ trợ còn bán quá mức giá đó sẽ không được vay. Với người mua thì mua bao nhiêu cũng được, muốn bán lại cũng được”.

Ông Liêm cho rằng, đây là loại hình nhà ở mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, phát triển. Trong khi đó, tại Việt Nam, đối với nhà ở xã hội, Nhà nước nắm trong tay rất chặt và chắc chắn không có chuyện gì nhưng việc xin phép, giấy tờ sẽ rất rối...

“Thị trường của chúng ta đang gặp khủng hoảng về cung cầu nên khi nhiều nhà ở thương mại giá rẻ ra đời, nếu nhà nước muốn giúp những người thu nhập thấp thì cho họ vay vốn ưu đãi, với lãi suất thấp để có thể mua được nhà ở này. Nếu như ở ta làm như vậy, Nhà nước lúc này chỉ là người tác động còn thị trường sẽ được vận hành và thị trường cho phân khúc giá rẻ sẽ được phát triển đúng nhu cầu”, ông Liêm bày tỏ.

(Theo Tiền phong Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu