Tại Hà Nội, những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng vẫn len lén mọc lên trên các tuyến đường mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Sự tồn tại của loại nhà mang hình thù chẳng giống ai này như một thách thức dư luận.
Quản lý quy hoạch kiến trúc, đô thị chưa tốt
Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa tốt là yếu tố then chốt dẫn tới thực trạng trên.
Thực tế cho thấy, việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ nên sau giải phóng mặt bằng, nhiều mảnh đất có diện tích không đủ điều kiện để xây dựng. Mặt khác, khi làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài mét cũng không đền bù, phần đất còn lại vừa nhỏ vừa méo mó nên người dân rất khó bán.
Bên cạnh đó, do chưa có một cơ quan trung gian đứng ra thỏa thuận giá giữa chủ nhà có đất siêu méo, siêu mỏng đằng trước và chủ nhà đằng sau, vậy nên việc hợp khối, hợp thửa không hề dễ dàng.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, theo quy định hiện hành, những trường hợp không đủ tiêu chuẩn cấp phép xây dựng buộc phải hợp thửa với hộ liền kề đủ tiêu chuẩn. Chính quyền địa phương phải lên phương án thu hồi đất phục vụ mục đích công cộng trong trường hợp không thỏa thuận được phương án hợp thửa giữa các hộ dân.
Tuy nhiên, để thu hồi phải tìm ra nguồn vốn chi trả đền bù và giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nguồn vốn này sẽ rất lớn bởi diện tích nhà siêu méo, siêu mỏng đều nằm ở vị trí đắc địa. Minh chứng là, chi phí đền bù tại quận Đống Đa dự kiến trên 10 tỷ đồng.
Nhà siêu méo, siêu mỏng vẫn âm thầm mọc lên trên các tuyến đường mới ở Hà Nội.
(Ảnh minh họa)
Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên các con phố lớn như Kim Liên - Xã Đàn, Thanh Nhàn, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu,… chỉ từ 3 - 5m2, cá biệt có trường hợp chỉ còn lại bức tường dày 12cm song chủ nhân vẫn quyết không hợp thửa với hộ liền kề.
Hàng trăm ngôi nhà tương tự tiếp tục xuất hiện trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng khi dự án đường Vành đai II (đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi); Trần Phú - Kim Mã và đường Thanh Nhàn vừa hoàn thành, đi vào sử dụng.
Chẳng hạn, riêng phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và Xuân La (Tây Hồ) đã có hơn 10 nhà siêu méo, siêu mỏng. Đoạn đường Trần Phú - Kim Mã dài chừng 600m xuất hiện 3 công trình siêu mỏng; đường Nguyễn Văn Huyên cũng xuất hiện những ngôi nhà tạm rộng 1,7 - 3m2, đường Thanh Nhàn có đến gần 10 công trình dạng này.
Cách thức phát triển đô thị cần phải thay đổi
Một số chuyên gia về quy hoạch đô thị đề xuất, để giải quyết tận gốc thực trạng nêu trên, TP Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường chứ không chỉ làm riêng một con đường.
Mặc dù nhiều người lo ngại về nguồn kinh phí khi giải phóng mặt bằng cả một khu đô thị rộng lớn nhưng thực chất việc này lại giúp giải quyết được nhiều vấn đề.
Cụ thể, sau khi con đường hình thành, cơ quan Nhà nước sẽ phân lô, đấu giá hoặc đấu thầu việc sử dụng đất hai bên đường. Do đó, sẽ không còn tình trạng chủ sở hữu nhà đằng trước, đằng sau không thỏa thuận được giá cả hợp khối, hợp thửa; nhà siêu méo, siêu mỏng không còn tồn tại.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, TS. Đào Ngọc Nghiêm, để giải quyết triệt để thực trạng trên, không chỉ là vấn đề nguồn vốn mà mấu chốt căn bản nhất là TP cần tính đến vấn đề này ngay từ khâu quy hoạch.
Ngay từ khi bắt đầu lập dự án, các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu méo, siêu mỏng có thể sẽ hình thành, trao đổi với người dân để người dân có phương án thỏa thuận với nhau thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp khi dự án đã hoàn thiện.
Còn nếu người dân không thỏa thuận được thì Nhà nước phải đứng ra can thiệp. Bởi lẽ, giá trị đất mặt phố tăng chóng mặt sau khi giải phóng mặt bằng, do đó việc hợp khối, hợp thửa cũng phức tạp, dễ phát sinh khiếu kiện kéo dài.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho hay, toàn TP có trên 300 trường hợp siêu méo, siêu mỏng trước năm 2015, nay còn 132 trường hợp. Thế nhưng, việc dẹp được ngần ấy căn nhà trong thời gian tới hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.