Hôm nay (7/6), Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) của Bộ Công thương cho biết, vào ngày 5/5/2016, Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã ra ra thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam.
Ấn Độ áp dụng thuế chống bán phá giá trong thời gian là 5 năm đối với các sản phẩm
gỗ MDF nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia. (Ảnh minh họa).
Thông báo nêu rõ, DGAD cho biết 3 doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bản câu hỏi, hợp tác đầy đủ, do đó biên độ phá giá được tính cho các doanh nghiệp này lần lượt như sau: Một doanh nghiệp có biên độ 0-10% và hai doanh nghiệp có biên độ 5-15%. DGAD cũng kết luận biên độ phá giá dành cho các doanh nghiệp khác của Indonesia và Việt Nam lần lượt là: Indonesia 55-65%, Việt Nam 40-50%.
Bên cạnh đó, DGAD xác định sản phẩm bị điều tra xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ thấp hơn giá trị thông thường; ngành sản xuất sản phẩm gỗ tấm MDF nội địa cũng đã phải chịu thiệt hại đáng kể bởi sản phẩm nhập khẩu bán phá giá từ các nước bị điều tra nói trên.
Theo đó, DGAD quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá trong thời gian là 5 năm đối với các sản phẩm nhập khẩu này của Việt Nam và Indonesia. Nhưng theo danh sách DGAD đưa ra, có một doanh nghiệp được hưởng mức thuế dưới mức tối thiểu, hai doanh nghiệp có mức thuế lần lượt là 14.84 USD/m3 và 15.95 USD/m3. Mặt khác, mức thuế dành cho các doanh nghiệp khác của Việt Nam, Indonesia lần lượt như sau: Việt Nam: 63.99 USD/m3, Indonesia: 64.35 USD/m3.
Vụ việc được DGAD khởi xướng điều tra từ ngày 7/5/2015 đối với sản phẩm gỗ tấm MDF mã HS 4411 của Việt Nam và Indonesia trong giai đoạn từ ngày 1/10/2013 đến ngày 30/9/2014. DGAD xác định giai đoạn sản phẩm gỗ tấm MDF mã HS 4411 nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam gây thiệt hại từ ngày 1/4/2011-30/9/2014.