Mới đây, Trung Quốc cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép tăng công suất tại các nhà máy ở nước ngoài và kiểm soát các nhà máy trong nước. Đây là một phần của nỗ lực hạn chế nguồn cung, dư thừa sản lượng thép, lý do chính bị nhiều nước cáo buộc có thể dẫn đến khủng hoảng thép trên toàn cầu.
Reuters cho hay, ngân hàng trung ương và một số cơ quan khác của chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra một tuyên bố chung về việc Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp than, thép sử dụng các khoản vay tín dụng xuất khẩu. Mặt khác, tài trợ dự án nếu đầu tư ở nước ngoài để khuyến khích các doanh nghiệp. Đồng thời, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay cũng như số lượng các nhà máy sản xuất thép mới thành lập trong nước.
Một công nhân đi qua một đống sản phẩm ống thép tại sân của nhà máy ống thép
Youfa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Reuters).
Theo đó, trong 5 năm tới đây, quốc gia này lên kế hoạch chuyển sản xuất khoảng 100-150 triệu tấn thép thô trong nước ra nước ngoài để giảm bớt sức ép dư thừa nguồn cung đã đè nặng lên các doanh nghiệp trong nước thời gian qua với các thua lỗ, nợ nần.
Cùng với đó, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết dành 100 tỷ nhân dân tệ (15,45 tỷ USD) để xử lý việc cắt giảm và sa thải lao động trong ngành than, ngành thép do khủng hoảng dư cung.
Chính sách trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước lên tiếng ngành thép thế giới hiện đang bị dư cung trầm trọng và có nguy cơ đối diện một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu. Đặc biệt, ngành sản xuất thép Trung Quốc bị cáo buộc là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
Tuy chính phủ Trung Quốc cho biết đang tập trung vào việc giảm sản xuất thép mà họ đã thiết kế nhưng sự gia tăng nhanh chóng của giá thép trong nước khiến các nhà máy tiếp tục tăng sản lượng. Thậm chí các nhà máy 'thây ma', các đơn vị từng sống dở chết dở đã ngừng sản xuất nhưng chưa được đóng cửa nay cũng 'hồi sinh'.
Hiện giá thép Trung Quốc vẫn tăng 77% trong năm 2016 so với mức đáy lập ra vào năm ngoái do nguồn cung hạn hẹp hơn và nhu cầu gia tăng sau dịp năm mới.
Vậy nhưng, Nhật Bản - một trong những nhà sản xuất thép lớn tỏ ra quan ngại về việc tăng sản xuất và xuất khẩu thép thô của Trung Quốc.
Chủ tịch Liên đoàn sắt và thép Nhật Bản Koji Kakigi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo: "Chúng tôi không chắc chắn sự gia tăng là do nhu cầu phục hồi của thị trường sau Tết hay các nhà máy địa phương tăng sản xuất bởi giá thép tăng cao hơn. Vì thế, chúng tôi cần phải xem xét kỹ lượng và kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4".
Tại một cuộc họp mới đây, theo Washington, Trung Quốc cần phải cắt giảm sản lượng hoặc phải đối mặt với sự trừng phạt thương mại từ các nước khác.
Trong khi đó, Trung Quốc và các nước sản xuất thép lớn khác trước đó cũng đã ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết vấn đề. Song, tất cả thành viên không tìm được tiếng nói chung khiến Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và 7 quốc gia khác kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng 'ngập lụt' ngành thép cũng như nguy cơ khủng hoảng trên toàn cầu.
Đã có một số công ty thép nước này đầu tư ra nước ngoài, xây dựng nhà máy ở Đông Âu và Nam Phi. Chẳng hạn như Tập đoàn Hebei Iron & Steel Group mới đây đã ký một thỏa thuận mua lại một nhà máy thép thua lỗ tại Serbia trị giá 46 triệu Euro (52 triệu USD).