Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Tp.HCM gồm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, KH&ĐT và UBND Tp.HCM cùng các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nói trên theo đúng quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phối hợp, chủ trì với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn Tp.HCM trong việc thẩm định, duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến metro này, thực hiện báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ. Đồng thời, các Bộ cần tăng cường công tác thanh kiểm tra việc tổ chức, thực hiện dự án, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, đúng theo luật định.
|
Tp.HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư hai tuyến metro số 1 và metro số 2. |
Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp.HCM, ông Bùi Xuân Cường cho biết, khối lượng thi công tuyến metro số 1 trong năm 2018 đã không đạt kế hoạch đề ra là 65%, chỉ đạt 62%. Thế nên, trong năm nay phải tăng tốc trên tất cả các mặt, thực hiện đạt 80% khối lượng công việc, đảm bảo đưa tuyến metro số 1 đi vào hoạt động trong năm 2020.
Theo kiến nghị của BQL dự án, Tp.HCM tạm ứng đợt 1 trong năm 2019 khoảng 2.248 tỷ đồng nhằm thanh toán cũng như tạm ứng 80% cho nhà thầu đã thực hiện dự án trong năm ngoái. UBND Tp.HCM năm 2018 đã tạm ứng cho công trình 1.000 tỷ đồng. Tính tới nay, TP đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng.
Cũng theo BQL dự án, khi xây dựng tuyến metro số 2 có 602 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích là 251.136m2. Cho tới thời điểm hiện tại, có 105 trường hợp nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, chỉ mới có 54 trường hợp bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trong khi chờ chỉ đạo của Thủ tướng cũng như thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, BQL dự án đề nghị chính quyền Tp.HCM đồng ý duyệt điều chỉnh thời gian triển khai dự án tới ngày 13/12/2020. Mục đích là để đảm bảo cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện dự án metro số 2.
Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, Chính phủ đã trình xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2,134 tỷ USD (47.891,28 tỷ đồng) vào ngày 10/5/2018. So với dự toán năm 2010, tổng mức đầu tư tăng gần gấp 2 lần. Trường hợp dự án điều chỉnh được thông qua, UBND Tp.HCM mới duyệt điều chỉnh dự án vào đầu năm nay.
Được biết, dự án tuyến metro số 2 gồm hai giai đoạn. Mục tiêu của giai đoạn 1 là xây dựng đoạn tuyến đi ngầm khoảng 9,2km, đoạn tuyến trên cao, chuyển tiếp cùng đường dẫn depot tầm 2km. Trên tuyến gồm 1 ga trên cao, 9 ga ngầm và 1 depot; cung cấp, lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như toa xe, đầu máy, thông tin, hệ thống cơ điện, tín hiệu, bán vé tự động, kiểm soát...
Công trình sử dụng vốn vay ODA từ các nhà tài trợ sau: Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.