Giá cát không ngừng "leo thang" do nguồn cung khan hiếm

  04/08/2017 - 04:35

Hiện giá cát "leo thang" từng ngày do nguồn cung khan hiếm. Thực trạng này khiến không ít nhiều chủ vựa vật liệu xây dựng không dám nhận tiền đặt cọc của khách hàng.

Trên cả nước, giá cát tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xây dựng và các công trình đang thi công. Nguyên nhân khiến giá cát tăng cao là do lượng cát ở các dòng sông đang cạn kiệt, các đập thủy điện, thủy lợi làm hạn chế bồi đắp, cùng với đó các hoạt động khai thác đang được giám sát chặt chẽ.

Theo kết quả khảo sát, tại thị trường Hà Nội, giá cát đen dùng để san lấp khoảng 200.000 đồng/m3. Giá cát xây, trát là 280.000 đồng/m3. Giá cát vàng để đổ bê tông là 410.000 đồng/m3.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, cát san lấp và cát xây, trát có giá cao hơn thị trường Hà Nội khoảng 10%. Giá cát vàng dùng để đổ bê tông là 630.000 đồng/m3, mức giá này cao hơn 30% so với Hà Nội. Giá cát leo thang từng ngày, nguồn cung khan hiếm khiến nhiều chủ vựa vật liệu xây dựng không dám nhận tiền đặt cọc của khách hàng.

giá cát tăng cao
Giá cát xây dựng tiếp tục tăng cao do nguồn cung khan hiếm. (Ảnh minh họa)

Bàn về vấn đề này, theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện có 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã cấp phép khai thác gần 692 triệu m3. Tuy nhiên, sản lượng khai thác này chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu xây dựng.

Trữ lượng cát của cả nước hiện khoảng hơn 2 tỷ m3. Với tình hình sử dụng cát như hiện nay thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Một số doanh nghiệp vừa phải đưa cát từ miền Trung vào để cung cấp cho thị trường Tp.HCM. Theo quy định hiện hành, việc thăm dò, cấp phép khai thác và vận chuyển cát là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố bởi đây là sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường. Trong khi đó, việc mua bán cát trên thị trường thuộc thẩm quyền của ngành Công Thương.

Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các biện pháp để hạn chế dùng cát làm vật liệu san lấp. Theo đó, sẽ sử dụng tro, xỉ, thạch cao, đất… làm vật liệu sẽ thay thế cát san lấp. Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chuẩn về loại vật liệu này trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức cho việc sử dụng các vật liệu này là việc Bộ Xây dựng. Bộ cũng đã biết và đang chỉ đạo thực hiện. Thế nhưng, các bước cũng phải có giai đoạn nhất định để theo kịp được tình huống của thị trường. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên.

(Theo VOV)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu