Tại Hội thảo Ngành thép Việt Nam - Thăng trầm và triển vọng vừa diễn ra tại Tp.HCM, các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, giá thép thời gian tới khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh.
Đánh giá sự phát tiển thị trường thép trong vài năm gần đây, theo các nhà đầu tư, chuyên gia, thép Việt Nam có nhiều biến động, thăng trầm theo xu hướng chung của ngành thép thế giới. Giá thép hiện đang tăng nhưng chưa bền vững.
Biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh, dao động trong khoảng từ 10-6%. Tốc độ giảm giá diễn ra mạnh nhất trong giai đoạn này, khiến lượng hàng tồn kho sản xuất với giá nguyên liệu ở mức cao không tiêu thụ kịp so với tốc độ giảm giá của thành phẩm.
Tới quý I/2016, tuy giá thép vẫn giảm trong tháng 1 và chỉ hồi phục nhẹ từ tháng 3 nhưng các doanh nghiệp đã điều chỉnh chính sách tồn kho phù hợp hơn với diễn biến thị trường, vì thế biên lợi nhuận dần được cải thiện.
Giá thép phục hồi rõ nét trong quý II năm nay, cùng với thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực, tạo thành 2 yếu tố cộng hưởng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép tăng lên.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp nhanh nhạy với biến động thị trường đã chủ động tích trữ nguyên liệu giá thấp trong quý I/2016, đạt tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong quý II, đảo ngược hoàn toàn so với quý IV/2015.
Giới chuyên gia cho rằng, trong năm 2017 giá thép khó giảm sâu nhưng cũng
không tăng mạnh. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Sau giai đoạn phục hồi mạnh trong các tháng 4, 5, 6, giá quặng sắt tiếp tục biến động trong quý III và chưa thể hiện rõ xu thế phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép nhìn chung có xu hướng giảm.
Dự đoán về giá thép trong năm 2017, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Sưa nhận định, biến động giá thép năm tới sẽ tương tự như giá năm 2016, tăng nhẹ khoảng 1-2%. Nguyên nhân là, nhà sản xuất Trung Quốc muốn duy trì mức lợi nhuận hiện tại. Mặt khác, những trung tâm kinh tế của thế giới như Trung Quốc, EU chưa thể hồi phục về thời kỳ hoàng kim và vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại SMC, ông Nguyễn Ngọc Anh cũng cho rằng, trong tương lai, giá thép phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới và giá dầu bởi ngành thép là ngành tiêu hao năng lượng lớn. Thêm nữa, chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc như cắt giảm sản lượng ngành than, siết chặt sản xuất của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ có tác động lớn đến mặt hàng này. Chính vì thế, giá thép khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.