Một báo cáo mới đây dự báo rằng, thị trường sợi thủy tinh toàn cầu tới năm 2024 sẽ đạt giá trị trên 17,44 tỷ USD.
Thị trường sợi thủy tinh toàn cầu đạt 8,50 tỷ USD năm 2014. Trong giai đoạn 2016 - 2024, thị trường có thể mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép CAGR là 7,5%.
Thị trường sợi thủy tinh toàn cầu tới năm 2024 sẽ đạt giá trị trên 17,44 tỷ USD.
Sợi thủy tinh là vật liệu gia cố sử dụng rộng rãi trong các loại vật liệu tổng hợp và chiếm tỷ trọng trên 90% khối lượng vật liệu gia cường có trong nhựa cốt sợi thủy tinh. Vật liệu này có trọng lượng nhẹ, độ bền cao và khả năng chống tác động của ngoại lực cao hơn so với các sản phẩm thay thế nó.
Hiện nay, nhu cầu đối với sợi thủy tinh tăng cao và ứng dụng sợi thủy tinh được sử dụng nhiều trong ngành vận tải, xây dựng, hàng tiêu dùng, công nghiệp và tuabin gió.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần sợi thủy tinh lớn nhất thế giới, kế đến là Châu Âu và Bắc Mỹ do tăng trưởng trong ngành xây dựng công nghiệp. Mặt khác, nhu cầu về năng lượng tái tạo ở Châu Á - Thái Bình Dương cũng làm tăng nhu cầu lắp đặt tuabin gió, khiến nguồn cầu về sợi thủy tinh cũng gia tăng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô tại Châu Âu cần tới vật liệu thay thế có trọng lượng nhẹ hơn vật liệu truyền thống, giúp duy trì cầu về sợi thủy tinh trong lĩnh vực này.
Hiện tại, Trung Quốc là nhà sản xuất sợi thủy tinh lớn nhất trên toàn cầu, chiếm hơn 50% sản lượng thế giới. Ngành công nghiệp sản xuất sợi thủy tinh của Trung Quốc nhận sự trợ cấp từ chính phủ, cho phép xuất sợi thủy tinh với chi phí thấp đến Bắc Mỹ và Châu Âu. Việc này đã buộc Liên minh châu Âu áp đặt thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Vì vậy, nhu cầu về sợi thủy tinh Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong tương lai gần, là nguyên nhân dẫn đến sự dư thừa ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.