Việt Nam đã nhập khẩu trên 22 triệu tấn sắt thép các loại trong năm 2016, trị giá gần 11 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015, theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan.
Trung Quốc là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với
gần 10 triệu tấn.
Kim ngạch thép xuất khẩu các loại chỉ đạt 3,9 tỷ USD trong năm vừa qua.
Năm 2016, sắt thép các loại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 10,85 triệu tấn, trị giá trên 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng so với năm trước; sắt thép nhập khẩu từ Nhật Bản đạt gần 2,64 triệu tấn, trị giá gần 1,19 tỷ USD; từ Hàn Quốc đạt trên 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD.
Giới chuyên gia cho rằng, so với năm 2015, nhập khẩu của ngành thép trong năm 2016 tăng mạnh, cả với các mặt hàng mà Việt Nam còn dư khả năng sản xuất như phôi thép (nhập khẩu là trên 1,1 triệu tấn); tôn mạ và sơn phủ màu hơn 1,8 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm trước và chiếm hơn 50% thị phần nội địa; thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn; trong đó có khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường...
Hiện tại, Trung Quốc là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, chiếm gần 60% lượng thép nhập khẩu.
Báo cáo tổng kết từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép sản xuất của Việt Nam chỉ đạt 17,5 triệu tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép Việt Nam vấp phải hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước từ Canada, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan,... Hiện các sản phẩm thép Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN và Mỹ.
Trước tình trạng nhập khẩu thép ồ ạt, hồi đầu tháng 3/2016, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Vậy nhưng, thép ngoại đã tìm được cách lách khác khi nhanh chóng kê khai mặt hàng thép dây cuộn (thép cuộn - một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại) sang mã HS khác.
Theo kết quả thống kê, trước khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn nhập khẩu được kê khai vào mã 7227.90.00 là thép cuộn hợp kim có chứa nguyên tố Bo hoặc Titan, Crom… để hưởng thuế 0%. Tuy nhiên, sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%. Lượng nhập trong 10 tháng năm 2016 chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.