Bí ẩn dinh thự 99 cửa của đại gia Sài Thành

  29/08/2014 - 05:10

"Con ma nhà họ Hứa"

Vào một ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Tp.HCM, được bà chủ quán kể vanh vách về câu chuyện liêu trai, tưởng chừng bà tận mắt chứng kiến. "Cái bảo tàng này trước đây là của "vua bất động sản" Hứa Bổn Hòa mà nhiều người thường gọi là chú Hỏa.

Mọi chuyện bắt đầu khi cô con gái chú Hỏa mắc bệnh phong, lở loét khắp người trong lúc tuổi thanh xuân. Vì là con gái duy nhất nên được chủ Hỏa đã cách ly con trong căn phòng kín để tránh lây bệnh quái ác chưa có thuốc chữa thời ấy.

Bệnh tình cùng với sự ngột ngạt do bị nhốt suốt ngày trong căn phòng khiến cô gái bức bối nên khi cô chết hương hồn cứ vương vấn mãi ở căn phòng. Nhiều người còn kể chính mắt chứng kiến bóng trắng thấp thoáng đi qua các dãy hành lang trong đêm và tiếng gào khóc".

Câu chuyện càng trở nên kì bí hơn khi chị C. một người từng là nhân viên của Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM trong hơn 5 năm kể lại đã được nghe, được biết và thậm chí từng tận mắt chứng kiến. "Tôi làm việc ở Phòng Hành chính của bảo tàng có điểm đặc biệt là cứ ai nằm xuống là bị bóng đè, đặc biệt có người còn thấy những đứa trẻ tóc kiểu ba vá nói tiếng Hoa giật tóc, không thể nào nằm yên được. Riêng tôi và một đồng nghiệp ăn chay trường thì ngủ rất ngon.

Ở các tầng 1, 2 là các phòng triển lãm tranh, các nhân viên thuyết minh cũng không bao giờ dám ở lại một mình vì cảm giác ớn lạnh như ai đó đang ở phía sau".

Nhưng lời kể nên lại na ná với những giai thoại lâu đời và đã được viết thành sách, thậm chí được dựng thành phim "Con ma nhà họ Hứa". Bộ phim kinh dị do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện trong lúc kỹ xảo điện ảnh còn đơn giản, thô sơ và những cảnh "nhát ma" còn khá cứng.

Nhưng với sự tham gia của những ngôi sao màn bạc của Việt Nam bấy giờ như Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Thanh Việt... đã tạo nên một cơn sốt vé chưa từng thấy mang về doanh thu khổng lồ cho hãng phim và đạo diễn.

Bí ẩn trong dinh thự 99 cửa

Sách, phim là những thể loại mà các nhà kịch bản, nhà văn được phép mặc sức hư cấu cho tác phẩm mình thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, chính sự ra đời của các tác phẩm này đã làm những tin đồn về chuyện liêu trai ở căn nhà trên tồn tại đến tận hôm nay.

Những lời đồn thổi đã khó kiểm chứng, lại càng làm nhiều người nghi thêm tin tưởng khi có một thời gian, căn nhà giữa có căn phòng được cho là nơi giam lỏng cô gái trong thời gian bị bệnh bỏ không, trong khi các căn nhà liền kề lại được trưng dụng làm các công trình khác nhau.

Cũng theo lời chị C. (từng làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM hơn 5 năm), căn biệt thự 97 Phó Đức Chính được nhà nước tiếp quản từ sau năm 1975 rồi phân ra cho nhiều cơ quan, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM với địa chỉ 97A. Tòa nhà này vốn là dinh thự chính của chú Hỏa, có kiểu dáng kiến trúc cổ độc đáo hình chữ U hòa hợp giữa hai trường phái Á - Âu.

"Nhiều người am hiểu kể lại, dinh thự này có 100 cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ nhưng sau đó bị bỏ đi một cửa; đồng thời do cổng chính lớn hơn cổng Dinh Toàn quyền Đông Đương nên không được mở và cổng chính buộc phải quay qua phía đường Phó Đức Chính. Vậy nên dinh thự chỉ có 99 cửa và tất cả các cửa chính, cửa sổ của tòa nhà đều không đối diện nhau" - chị C. kể.

Nói về việc phòng chính bị để không một thời gian, chị C. cho biết, có một khoảng thời gian phải chuẩn bị cơ sở vật chất và hiện vật, bảo tàng mới đi vào hoạt động. Hiện bảo tàng có trên 21.000 hiện vật với hai nhóm chính là mỹ thuật cổ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và mỹ thuật đương đại. Trong số đó phải kể đến bức sơn mài khổ lớn Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí mà vào năm 1991 Tp.HCM đã chi 100.000USD để có được.

Số tiền lúc ấy được cho là "khủng" và gây ra cuộc tranh luận dữ dội, thậm chí trên các tờ báo chính thống, nhưng lúc này có người trả đến 1 triệu USD để mua lại bức tranh này. Sau khi để trống một thời gian, các phòng ốc được tu sửa và nơi đây trở thành bảo tàng mỹ thuật lớn của Việt Nam, là điểm du lịch, với lượng khách mỗi năm trên 200.000 lượt.

Những hậu duệ của chú Hoả được biết là đã định cư ở nước ngoài. Có tài liệu cho rằng, năm 2006 họ có về thăm dinh thự cũ, họ khẳng định chú Hỏa không có con gái. "Nhưng có thể căn nhà nằm thụt sâu vào trong, cây cối um tùm khiến tòa nhà âm u và nhiều người yếu bóng vía thấy cảnh này đã tự nhát mình.

Cộng thêm bộ phim kinh dị từng tạo nên cơn sốt vé trở thành câu chuyện truyền khẩu đầy màu sắt liêu trai đến tận hôm nay. Song song đó, câu nói: "con ma nhà họ Hứa" trở thành khẩu ngữ trong tiếng Việt để ám chỉ những người hứa mà không giữ lời" - chị C. hóm hỉnh giải thích.

(Theo NĐT)

 

(Theo )

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu