Mách bạn: 6 lưu ý khi thiết kế căn bếp

  20/10/2015 - 09:26

Khi thiết kế một căn bếp cần bố trí rõ ràng 3 khu vực nấu ăn, dọn rửa và lưu trữ thực phẩm; cùng đó nên lắp đặt hệ thống ánh sáng phù hợp nhằm mang đến không gian ấm cúng cho gia đình.

Thực tế cho thấy, khu bếp không chỉ là nơi dành cho nấu nướng mà còn là không gian để gia đình quây quần, sum họp. Thế nên, việc thế kế căn bếp sao cho hợp lý là điều không hề đơn giản. Gia chủ sẽ có được những phút giây thư giãn thoải mái trong ngôi nhà của mình nếu chịu khó đầu tư công sức, thời gian thiết kế, bài trí cho khu vực này.

Sau đây là 6 lưu ý cơ bản, hữu ích giúp bạn có được khu bếp nấu tiện ích, ấm áp tình cảm gia đình.

1. Phân chia 3 khu vực bếp

thiết kế bếp
Thông thường, một căn bếp sẽ gồm 3 khu vực chính: Nấu ăn, dọn rửa và lưu
trữ thực phẩm.

Kinh nghiệm cho thấy, một khi khu bếp được thiết kế bài bản, chu đáo sẽ giúp việc nấu nướng trở nên nhanh chóng và an toàn hơn. Không những vậy, thời gian sinh hoạt gia đình trong căn bếp cũng thú vị, vui vẻ hơn hẳn.

2. Nên tối ưu “tam giác hoạt động”

Thường thì người nội trợ chủ yếu phải di chuyển giữa 3 khu vực lưu trữ, dọn rửa và nấu ăn khi đứng trong bếp. Đường nối giữa các khu vực này gọi được gọi là “tam giác hoạt động”. Cần phải tính toán kỹ lưỡng mỗi một thao tác của người nội trợ, từ việc lấy nguyên liệu, để đồ ăn vào lò nướng hoặc đặt lên bếp nấu, hay bày biện và dọn dẹp, vệ sinh chén bát bằng máy rửa bát hoặc trong bồn rửa,... Cho nên, bản thảo thiết kế và sắp xếp các thiết bị bếp cần tối ưu khu vực "tam giác hoạt động" giúp tăng hiệu quả sử dụng cũng như rút ngắn thời gian nấu nướng cho bà nội trợ.

3. Sử dụng tủ bếp để tối ưu không gian

thiết kế căn bếp
Sử dụng các ngăn kéo và tủ chứa đồ để tối ưu không gian căn bếp.

Trước khi bắt tay vào đóng tủ bếp, bạn nên lập kế hoạch tối ưu hóa không gian khu vực này. Thông thường, tủ chứa đồ và ngăn kéo sẽ chứa mọi thứ bà nội trợ cần dùng. Khi bạn đầu tư thiết kế chuyên nghiệp thì thiết bị sẽ đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho gian bếp hiện đại. Hiện nay, tủ kéo cao là loại tủ đựng phổ biến và tiện dụng nhất. Bên cạnh đó, chủ nhà có thể gia tăng không gian lưu trữ bằng những ngăn rổ kéo hoặc rổ quay. Bạn cũng nên tận dụng không gian ở các vị trí góc tủ.

4. Căn bếp theo phong cách cá nhân

gian bếp
Gian bếp cần được thiết kế theo phong cách và thói quen của gia chủ.

Các chuyên gia thiết kế cho rằng, căn bếp nên được thiết kế theo thói quen và phong cách của chủ nhân. Nếu bạn thích vừa nấu ăn vừa đọc sách hoặc làm việc, hẳn bạn sẽ có một gian bếp thú vị, độc đáo.

5. Thiết kế hệ thống chiếu sáng

Gian bếp ngoài chức năng chính là nấu nướng, đây còn là không gian sum họp gia đình. Do đó, bạn cần bố trí ánh sáng vừa đủ để thuận tiện sơ chế đồ ăn cũng như tạo không gian sinh hoạt ấm cúng cho cả nhà. Việc chọn ánh sáng màu gì, lắp đặt ở đâu và số lượng bao nhiêu,... là những điều mà gia chủ nên lưu ý đầu tiên.

6. Cân nhắc các phụ kiện cần thiết

Những loại phụ kiện lắp ráp để tạo nên hệ thống bếp cần phải có tuổi thọ ít nhất 20 năm. Vì vậy, chủ nhân nên chọn các loại tủ không dùng bản lề hay có bản lề đóng mở giảm chấn giúp cho ngăn lưu trữ hoạt động dễ dàng, tiện lợi.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu