Tọa lạc tại xóm Báng, xã Đức Lý (Lý Nhân, Hà Nam), ngôi nhà 5 tầng mới xây xong đã bị nghiêng mạnh về bên phải. Độ nghiêng khoảng 1m tính từ tầng 5 xuống tầng 1.
Chủ tịch UBND xã Đức Lý, ông Nguyễn Quang Phi cho biết, ngôi nhà này thuộc sở hữu của cặp vợ chồng làm nghề may, có xưởng trong làng. Công trình vừa hoàn thành xong khoảng 1 tháng và có dấu hiệu bị nghiêng. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã yêu cầu gia chủ không được vào ở, đồng thời các hộ xung quanh cũng thu dọn đồ đạc, không ngủ tại nhà vào buổi tối nhằm đề phòng sự cố sập đổ.
Nguyên nhân khiến nhà 5 tầng bị nghiêng là do gia đình và thợ thi công xử lý nền móng không tốt, ông Phi nhận định. Địa phương trước đây chưa từng xảy ra trường hợp như vậy. Chủ nhà sẽ phải phá bỏ công trình nếu không xử lý được tình trạng nêu trên.
|
Hình ảnh ngôi nhà 5 tầng bị nghiêng ở Hà Nam. (Ảnh: Facebook) |
Thực tế cho thấy, hiện tượng nhà bị nghiêng, nứt, lún, thậm chí là sập khi đang xây từng xuất hiện ở nhiều địa phương. Nguyên giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho rằng, việc khảo sát địa chất không kỹ là nguyên nhân chính khiến nhà bị nghiêng. Trong cùng 1 khu đất nhưng các tầng địa chất khác nhau. Do đó, nếu xử lý nền móng chưa đúng mức sẽ bị lún không đều, gây nghiêng.
Làm nhà không có tư vấn thiết kế, áng chừng theo thói quen, tự thuê thợ cũng là nguyên nhân khiến nhà nghiêng. Bởi lẽ, nếu hệ kết cấu không phù hợp nền đất yếu, không đáp ứng được tải trọng cũng dẫn tới hiện tượng nghiêng.
Ngoài ra, nếu nhà hàng xóm kế bên thi công sau và đào móng quá sâu, giải pháp thi công không đúng sẽ khiến nhà bên cạnh bị tuột móng.
Để ngăn ngừa sự cố nghiêng, theo kiến trúc sư Truyền, gia chủ cần khảo sát kỹ địa chất khu đất trước khi thiết kế, thi công. Đặc biệt, công trình càng lớn thì càng phải thật cẩn trọng. Mỗi công trình về nguyên tắc phải khoan khảo sát địa chất ít nhất 3 lỗ đại diện 3 khu vực điển hình. Công trình lớn tọa lạc trên nền đất yếu càng không nên bỏ qua bước này. Ông Truyền cho biết: "Hầu hết khi làm nhà phố, nhà ở riêng lẻ, các chủ đầu tư vì muốn tiết kiệm chi phí nên thường bỏ qua bước này".
Mặt khác, sau khi đã được thiết kế và thi công, chủ đầu tư nên tránh tự ý tăng quy mô, nâng tầng, tăng tải trọng công trình. Nếu thật sự cần thiết thì gia chủ nên báo với đơn vị thiết kế để có các biện pháp gia cường.
Để khắc phục nhà bị nghiêng, chuyên gia này cho hay, chủ đầu tư nên thuê đơn vị có năng lực kiểm định đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu công trình hiện hữu, của phân thân, phần móng. Chỉ khi công trình đạt yêu cầu về khả năng chịu lực thì mới có thể gia cố thêm móng, phục chế nghiêng. Ngược lại, nếu kết cấu không đạt yêu cầu thì buộc phải tháo dỡ công trình.