Nhiều gia đình hiện nay xây bể cá trong hoặc ngoài nhà theo phong thủy hoặc sở thích mà không tìm hiểu kỹ các tiêu chí về kích thước, mái che, hệ thống lọc... nên gặp nhiều rắc rối về sau.
Chị Hải Yến (30 tuổi, sống tại Quảng Yên, Quảng Ninh) xây nhà mới cách đây 3 năm. Gia chủ quyết định bố trí một bể cá ở khoảng trống phía bên trái nhà vì thấy còn nhiều diện tích. Ý tưởng này được tất cả các thành viên trong gia đình hưởng ứng nhiệt tình. Tuy vậy, do không tìm hiểu kỹ về các thông số kỹ thuật nên gia đình chị gặp nhiều rắc rối phát sinh về sau.
Bể cả nhà chị Yến dài 3,2m, rộng khoảng 2m nhưng chỉ sâu tầm 30cm. Thời gian đầu, cả nhà đều hào hứng tìm mua cá (chủ yếu là cá vàng) về thả nuôi, sau thêm ít cá Koi.
Phía trên bể cá ngoài trời không có mái che nên những hôm trời nóng quá hoặc lạnh quá, cá trong bể thi nhau chết. Gia chủ liên tục phải mua cá mới về thả. Đồng thời, bể đóng nhiều rong rêu nên chị Yến phải rửa bể 2 tuần một lần.
|
Bể cá nhà chị Yến luôn trong tình trạng bỏ không khoảng nửa năm nay.
(Ảnh: H.Y) |
Chị Yến đã quyết định ngừng nuôi cá vì suốt nửa năm nay quá bận rộn, không có thời gian để rửa bể hai tuần một lần như trước. Nữ gia chủ cho hay: "Bể cá khiến cả nhà tôi chật vật 3 năm trời. Giờ tôi đang tính đổ đất vào trồng rau, nhưng nền gạch khiến nước không thoát được, giờ chưa biết để làm gì".
Theo KTS Huỳnh Xuân Hải (TP.HCM) - người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông từng gặp rất nhiều trường hợp xây bể cá cạnh nhà hoặc trong nhà nhưng chủ nhân chỉ hào hứng thời gian đầu, sau đó chán và ngừng nuôi hẳn. Ông Hải cho biết, nhiều gia đình thường xây bể cá theo phong thủy hoặc sở thích mà bỏ qua các thông số kỹ thuật về kích thước, mái che, hệ thống lọc, dẫn tới nhiều rắc rối về sau.
Riêng với trường hợp nhà chị Yến, theo KTS Hải, bể cá sâu 30cm là quá nông so với chiều dài và chiều rộng. Độ sâu phù hợp với bể cá rộng hơn 2m, dài trên 3m là 50-60cm. Gia chủ không nên xây bể quá sâu để tránh xảy ra các tình huống nguy hiểm, đặc biệt là đối với nhà có trẻ nhỏ.
Mái che là chi tiết không thể thiếu với bể cá cảnh đặt ở ngoài trời. Khi không có nắng rong rêu cũng không thể phát triển. Theo đó, chủ nhân sẽ đỡ tốn thời gian rửa bể. Mặt khác, thiết kế mái che bể cá còn giúp duy trì nhiệt độ nước ở mức ổn định, không nóng quá cũng không lạnh quá, đảm bảo điều kiện sống lý tưởng cho cá.
Trong trường hợp không muốn nuôi cá nữa, chị Hải Yến có thể chọn một trong hai giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, gia chủ có thể đổ nước vào bể trồng hoa súng, sen hoặc các loại cây sống dưới nước. Cách này vừa không tốn thời gian chăm sóc, vừa mang đến vẻ đẹp sinh động, xanh mát cho không gian sống.
Thứ hai, bạn có thể thiết kế vườn khô theo phong cách Nhật. Chủ nhân chỉ cần chuẩn bị thêm sỏi, đá non bộ, cây xanh và bài trí bể cá cảnh thành tiểu cảnh khô đẹp mắt.