Trên thực tế, hiện nay có hàng loạt các dự án chung cư mới trong quá trình triển khai phần móng song thông tin rao bán căn hộ trên mạng cũng như tờ rơi vỉa hè tràn lan khiến không ít khách mua nhà nghi ngại về mặt pháp lý của dự án.
Tràn lan tin rao bán căn hộ chung cư
Sau một thời gian dài nghiên cứu, hiện anh Nguyễn Công Vinh (Hà Nam) đang có nhu cầu mua chung cư tại Hà Nội nhưng vẫn chưa tìm được lựa chọn nào phù hợp. Trước những thông tin dự án mở bán rầm rộ trong thời gian gần đây, anh Vinh nghĩ rằng khả năng mua được nhà cao hơn trước.
Nhưng qua tìm hiểu thông tin từ một dự án ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) anh vô cùng bất ngờ khi biết rằng dự án căn hộ chung cư này chưa chính thức chào bán vì đang thi công phần móng. Trong khi đó, nhân viên môi giới liên tục mời chào anh bằng những từ hoa mỹ, cũng như đề nghị anh đặt cọc 25 triệu đồng đặt chỗ tại dự án này.
Hiện không có cơ quan nào quản lý việc quảng cáo bán nhà tràn lan trên thị trường
Anh Vinh chia sẻ, khi truy cập vào trang mạng của dự án trên facebook, với nhiều lời mời hấp dẫn như: “cao cấp - xanh - hiện đại nhất quận Thanh Xuân”, hay dự án “hot nhất năm 2015”. Và trên tờ rơi treo ở vỉa hè giới thiệu đây là dự án căn hộ cao cấp đẳng cấp giá chỉ từ 2,1 tỷ đồng/căn.
Hiện anh Vinh rất băn khoăn bởi hầu hết các thông tin đều là do các sàn hoặc nhân viên môi giới thứ cấp tự tạo ra, trong khi chủ đầu tư chưa có bất cứ động thái truyền thông nào về dự án ra thị trường khi nó chưa được chính thức mở bán, kể cả website chính thức của dự án cũng không có.
Việc các đơn vị phân phối thứ cấp rao bán nhà khi dự án vẫn còn trên giấy ngày càng phổ biến, đặc biệt là thời gian gần đây khi nhu cầu mua nhà ngày càng tăng. Trên mạng internet đã có hàng chục tổ chức cá nhân lập website, các trang mạng xã hội mạo danh gây nhầm lẫn cho khách mua nhà.
Cụ thể, các website mạo danh này đã ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều thông tin sai lệch về dự án khu đô thị, thậm chí còn ghi số điện thoại hotline giả mạo… Điển hình có trang web tự nhận là nhà phân phối chính thức của dự án hoặc chuyên bán suất ngoại giao của chủ đầu tư và thông báo sẵn sàng nhận tiền đặt cọc mua bán sản phẩm dự án.
Khách hàng cần phải cẩn trọng
Hiện phía chủ đầu tư tỏ ra rất bất ngờ với những lời quảng bá trên mạng xã hội. Đơn cử, chủ đầu tư dự án tại Thanh Xuân cho biết: “Rất tiếc là một số nhà môi giới sử dụng những biện pháp không lành mạnh để bán hàng dự án của chúng tôi. Tuy đây không phải là chủ trương của chúng tôi, nhưng những thông tin đó cũng ít nhiều ảnh hưởng tới dự án".
Chuyên gia bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Nam cho rằng, hiện tượng một số dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng các thông tin đã tràn lan trên các diễn đàn, cũng các trang thông tin rao vặt được gọi là hiện tượng “gom khách”.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng Nam
Thực tế cho thấy, các đơn vị môi giới khi muốn chuẩn bị truyền thông cho mỗi dự án do họ độc quyền phân phối thường sử dụng phương pháp này gây sự tò mò, đồng thời tạo điều kiện cho các khách hàng quan tâm có thể có thông tin về dự án.
Theo chuyên gia này, việc quảng cáo này không sai; cá nhân hay đơn vị môi giới có thể thông tin thoải mái về dự án. Tuy nhiên, nếu có phản ánh của khách hàng hay chủ đầu tư về thông tin sai lệch, dĩ nhiên họ sẽ bị phạt và chỉ có biện pháp đó mới lành mạnh hóa truyền thông bất động sản được.
Hơn nữa, hiện tượng quảng cáo rao vặt nhà đất hiện nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào quản lý chặt chẽ, do đó việc nhà môi giới và chủ đầu tư đưa ra những thông tin ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người mua nhà. Theo đó, nếu quảng bá thái quá sẽ gây nên hiệu ứng ngược.
Các chủ đầu tư cho rằng, kể cả khi ra mắt thì dự án cũng chỉ nêu ra những tiện ích để khách hàng kiểm chứng, vì hiện nay khách mua nhà đã trở nên kỹ tính và thông thái hơn rất nhiều.