Hỏi: Tôi 36 tuổi đã có 3 con, hàng tháng gia đình tôi tiêu hết 20 triệu. Tôi thuê nhà khoảng 6 triệu đồng và có một căn nhà khác đang cho thuê được 10 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian tích cóp, hiện tôi có số vốn 1 tỷ đồng đang băn khoăn nên đầu tư hay mua thêm căn nhà thứ 2.
Rất mong được các chuyên gia địa ốc tư vấn giúp.
Chân thành cảm ơn!
Nguyễn Tuấn Kiệt (Tp.HCM).
Trả lời:
Giải đáp thắc mắc trên của bạn Tuấn Kiệt, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa với gần 20 năm hoạt động trong ngành tài chính và kinh doanh BĐS cho rằng cần làm 5 bài toán để so sánh cụ thể.
Một là, gửi ngân hàng: Thực tế cho thấy, cách này khá đơn giản, bạn sẽ có một khoản lãi suất phát sinh hàng tháng, phù hợp cho người không có thời gian hay không muốn tốn công sức quản lý các kênh đầu tư khác. Thế nhưng, đây lại là kênh đầu tư có mức sinh lời thấp, bởi lãi suất huy động hiện chỉ khoảng từ 5-6%, trường hợp gửi dài hạn có thể đạt mức từ 7-8%. Do ngân hàng sống nhờ chênh lệch lãi suất huy động với lãi suất cho vay nên lãi suất tiền gửi không cao. Trên thực tế, ngân hàng sử dụng dòng tiền huy động được cho đối tượng khác vay kinh doanh.
Hai là, mua vàng, đây là kênh đầu tư truyền thống của người Châu Á, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước đây, vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn, có giá trị bền vững. Tuy nhiên, giá vàng hiện nay đầy biến động. Đối với kênh đầu tư này không chỉ đòi hỏi dòng vốn lớn mà còn phải có độ nhạy cao, hơn nữa phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến nền kinh tế thế giới. Vì thế, nhà đầu tư phải hiểu kinh tế vĩ mô và quan sát kỹ diễn biến kinh tế toàn cầu để có những quyết định kịp thời, đúng đắn. Kênh đầu tư vàng được cho là khó kiểm soát trong năm 2015. Thế nên, một khi không có nghiên cứu chuyên sâu và với số vốn 1 tỷ đồng, bạn không nên đầu tư vào vàng.
Lĩnh vực BĐS được đánh giá có sự tăng trưởng ổn định hơn gửi tiết kiệm, USD,
vàng... trong thời gian tới. (Nguồn ảnh: QH)
Ba là, đầu tư chứng khoán. Mặc dù đây là kênh đầu tư tương đối hấp dẫn trong thời điểm này bởi phần lớn giá cổ phiếu đang ở mức rẻ (so với giá trị sổ sách) khi nền kinh tế dần ổn định và có tiền đề phát triển bền vững trong 1-3 năm tới. Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường chứng khoán đã có nhiều đợt biến động, tuy nhiên do giá cổ phiếu còn khá rẻ nên khả năng tăng giá thêm 15% là kịch bản khả thi. Song để đầu tư vào cổ phiếu đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu và mất nhiều công sức. Bên cạnh yêu cầu phải nắm rõ các yếu tố kỹ thuật như phân tích biểu đồ của từng đợt sóng, phân tích tình hình tài chính công ty, thẩm định thị giá của từng mã, bạn còn phải quyết đoán, thậm chí là đặt cược. Đầu tư chứng khoán đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm và quan sát liên tục bởi diễn biến của chỉ số Index rất nhanh và gần như không theo một quy tắc nào.
Bốn là, đầu tư vào USD. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất USD về 0%. Theo đó, cá nhân gửi đôla Mỹ được hưởng mức lãi suất 0,25% trong khi các tổ chức không được hưởng lãi. Lãi suất tiền gửi đồng bạc xanh áp dụng cho các cá nhân trước đó là 0,75% và các tổ chức là 0,25% một năm. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm thậm chí là cả đầu năm 2016 sẽ không điều chỉnh tỷ giá USD/VND. Tuy người dân gửi USD vào ngân hàng không vì mục đích hưởng lãi suất, nhưng chủ yếu họ kỳ vọng giá USD tăng, tuy nhiên đầu tư vào USD đang có dấu hiệu giảm nhiệt trong thời gian tới.
Năm là, đầu tư BĐS. Hiện đây là kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường. Trong 9 tháng qua, giá BĐS đã tăng trung bình từ 5-8%, tại một số địa bàn nóng tăng từ 10-20% hoặc cao hơn. Những năm hậu khủng hoảng (kể từ cuối năm 2014 đến nay) thị trường không còn những cơn sốt "bầy đàn" so với trước đây. Mặt khác, kinh tế vĩ mô tốt dần lên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, nhất là việc sắp hội nhập ASEAN và diễn biến của hiệp định TTP được dự báo sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực BĐS Việt Nam. Thứ nữa, nhu cầu nhà ở còn rất lớn trong tương lai. Chính vì vậy, theo tôi, giá BĐS sẽ tiếp tục giữ được nhịp độ ổn định, thậm chí là tăng lên.
Với 5 kịch bản này có thể phần nào giúp bạn hình dung và lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với dòng vốn 1 tỷ đồng của mình. Nếu bạn muốn đầu tư nhà đất, với kinh nghiệm đang cho thuê căn nhà doanh thu 10 triệu đồng/tháng, chắc hẳn bạn sẽ có cơ hội hòa nhập thị trường BĐS nhanh hơn.
Chi tiêu hàng tháng của bạn là 20 triệu đồng, thuê nhà hết 6 triệu đồng và với số vốn 1 tỷ đồng, nếu bạn quyết định đầu tư thì nên chọn BĐS có giá trị đầu tư từ 1-1,4 tỷ đồng. Cùng đó, bạn nên lưu ý 2 điều sau:
Lưu ý đầu tiên, bạn nên đầu tư BĐS cho thuê, tùy vào khả năng bạn có thể đầu tư vào căn hộ, đất nền hay nhà phố. Nếu có khả năng quản lý tốt bạn nên chọn nhà trọ bởi ngoài nguồn thu từ khai thác cho thuê thì cơ hội tích lũy tài sản khá lớn.
Lưu ý thứ hai, bạn nên sử dụng đòn bẩy tài chính một cách an toàn. Chẳng hạn, có thể đầu tư BĐS giá 1,4 tỷ đồng với vốn tự có 1 tỷ đồng và vay thêm 400 triệu đồng, tức tương đương 30% số tiền phải trả hàng tháng là 6 triệu đồng. Cho nên, bạn cần lựa chọn BĐS nào có thể khai thác nhanh với tỷ suất sinh lời tối thiểu là 4,5%.
Chúc bạn thành công!