Chị Hồng Vân, 32 tuổi, một bà mẹ hai con đang sống tại Hà Đông cho biết, gia đình chị ở thuê suốt 8 năm và không mơ tới việc mua nhà vì chồng không đóng góp gì và hôn nhân ngày càng bế tắc. Tuy nhiên, khi quyết định mua nhà đã làm thay đổi cuộc sống hôn nhân của chị thay đổi.
Dưới đây là chia sẻ của chị Hồng Vân:
Năm 2009, tôi kết hôn và sau đó sinh liền hai con gái, cách nhau chỉ hơn 2 tuổi. Vợ chồng tôi cùng quê ở Bắc Ninh. Tốt nghiệp đại học, tôi xin được công việc ổn định và lương tăng đều đều, tới nay được khoảng 14 triệu, cộng với tiền thưởng vài chục triệu trong năm. Còn chồng tôi học nghề điện đi làm nhiều chỗ khác nhau, thu nhập bấp bênh, có thời điểm cả nửa năm không có việc.
Tuy nhiên, sau đám cưới tôi mới biết chồng đang gánh khoản nợ hơn trăm triệu tiền xây nhà ở quê. Ngôi nhà đó bố mẹ chồng mặc định sau này gia đình của tôi sẽ về ở nên anh phải góp phần trả nợ.
Cưới xong, với số tiền mừng hơn chục triệu, chúng tôi sắm bộ chăn ga gối đệm, bếp, nồi và đặt cọc tiền thuê nhà ở Hà Nội là hết. Từ đó trở đi, tháng nào tôi cũng tiêu hết lương để chi tiêu cho gia đình, còn chồng đưa tiền cho mẹ anh trả nợ. Đến cuối năm, khoản thưởng Tết của tôi cũng được dùng mua sắm, biếu xén hai bên gia đình là hết.
|
Chị Hồng Vân chia sẻ kinh nghiệm khi mua nhà. Ảnh minh họa: Redfin |
Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai tôi khi hai con chào đời. Lúc biết khoản nợ xây nhà ở quê đã trả xong, tôi nhiều lần từ thủ thỉ tới kêu gào, cãi vã... yêu cầu chồng đưa tiền nhưng anh luôn nói không có. Tự ái, bất cần, dần dần tôi chán chẳng thèm hỏi nữa.
Thấy bạn bè, đồng nghiệp lần lượt mua nhà, tôi cũng thèm một góc nhỏ cho con ổn định cuộc sống, khỏi năm lần bảy lượt chuyển chỗ ở, chỗ học nhưng thấy mọi việc quá xa vời. Từ năm 2013, mỗi tháng, tôi gắng tiết kiệm 2 - 3 triệu, Tết đến cũng hạn chế mua sắm, chỉ biếu tiền bố mẹ hai bên gọi là. Tôi đã cố gắng dành dụm như vậy không phải vì có kế hoạch mua nhà mà bắt đầu nghĩ tới chuyện ly hôn, phải có khoản dắt lưng để nhận nuôi 2 con một mình.
Vợ chồng tôi ngày càng xa cách. Ai có việc người nấy làm, tiền của người này làm ra bao nhiêu người kia không hề biết. Chồng đi sớm về muộn, ăn nhậu, la cà... tôi cũng không quan tâm. Ý định ly hôn ngày càng lớn lên nhưng tôi vẫn chưa dám quyết vì còn lấn cấn nhiều điều. Hai con gái rất quấn bố mặc dù anh hầu như chẳng mua cho chúng cái gì và cũng ít khi chăm sóc. Bố mẹ đẻ của tôi cũng quý con rể vì cho rằng anh hiền lành, nhiệt tình với mọi công việc nhà vợ, không mắc tật xấu gì quá đáng như cờ bạc, gái gú, đánh vợ, chửi con...
Đầu năm 2015, chồng tôi bị tai nạn lao động, phải vào bệnh viện phẫu thuật, nằm điều trị gần một tháng. Sau sự việc này khiến tôi nhận ra mình vẫn còn yêu chồng và anh ấy thực sự rất quan trọng với các con. Ý định ly hôn lùi lại nhưng tôi biết mình cần thay đổi. Tôi muốn mua nhà, dù khi ấy chỉ có 150 triệu trong tay. Tôi thông báo với chồng ý định này khi anh bình phục và tự lăn lộn đi tìm đất ở vùng ven đô, theo dõi các dự án bán nhà chung cư.
Chồng tôi chẳng phản đối cũng không hào hứng. Anh trước giờ vẫn có suy nghĩ rằng ở Hà Nội chỉ là tạm bợ, vài năm nữa sẽ về quê sống. Tuy nhiên, công việc của tôi gắn chặt nơi đây, về quê cũng đi hơn 40km nên tôi không muốn chọn phương án đó.
Đầu năm 2016, tôi biết tới dự án chung cư diện tích nhỏ, đang được ưu đãi vay vốn ở khu dưới Hà Đông. Tôi quyết định lấy một căn hơn 53m2, giá hơn 900 triệu. Vấn đề là tôi chỉ có chưa đầy 200 triệu. Căng thẳng suốt một tháng, tôi quyết định đặt cọc, sau đó vay mượn người thân, bạn bè được thêm 170 triệu để đóng tiền 2 đợt đầu theo tiến độ và làm thủ tục vay ngân hàng 500 triệu trong 15 năm. Mỗi lần làm gì, tôi đều kể với chồng và anh vẫn hững hờ cho tới khi cùng tôi đặt bút ký mọi giấy tờ vì không còn đường lui. Thực sự anh khá sốc vì không nghĩ tôi dám liều như vậy. Trước giờ, tôi chưa từng vay nợ ai một đồng.
Khi mọi việc xong xuôi, lúc đó tôi cũng thấy hối hận khi tự đặt mình vào bài toán quá khó. Tháng nào tôi cũng căng như dây đàn tính toán tiền nong làm sao chi tiêu, lo đóng học, trả gốc lãi ngân hàng rồi xoay trả khoản vay ngoài. Sau khi đã cắt giảm mọi khoản chi vẫn thấy không ổn, tôi lại đôn đáo tìm việc làm thêm nhưng điều này khiến tôi kiệt sức và không còn thời gian cho con cái.
Tôi tâm sự với chồng mình đang mệt mỏi, áp lực thế nào về chuyện tiền nong, con cái càng lớn càng cần anh ra sao. Nhưng vẫn như trước, chồng tôi chỉ nghe, không nói gì khiến tôi cảm thấy ức chế. Nhưng thay vì nổi giận hay chiến tranh lạnh như trước, tôi nghĩ mình cần phải hành động. Tôi bảo chồng rằng từ nay tôi không thể mua sữa cho con nữa vì quá nhiều khoản phải chi. Bố mua thì con được uống, không thì thôi. Ban đầu chẳng để ý nhưng sau đó, thấy con thèm sữa, đòi, anh cũng xót ruột mua cho và dần thành thói quen.
Thấy cách này khả thi, tôi tiến tới thủ thỉ nhờ anh lo khoản đóng học cho các con vài tháng tới vì tôi phải dồn tiền lo trả khoản vay của một người bác đang cần. Anh ậm ừ cho qua chuyện nhưng tôi rất vui sướng rồi gọi các con lại nói to rằng từ nay bố sẽ đóng tiền cho các con, cô giáo nhắc, có giấy báo nộp tiền thì cứ đưa cho bố. Hai tháng đầu, nhiều lần sốt ruột vì tới gần cuối tháng chồng vẫn chẳng đóng tiền cho con, tôi đã định tự làm cho xong nhưng cố dằn lại. Đây không chỉ là chuyện tiền nong nữa mà còn là trách nhiệm của anh ấy với gia đình. Và cuối cùng, mọi việc cũng xong xuôi. Anh có vẻ vui khi thấy các con tôi cái gì cũng gọi bố, nhờ bố. Và tôi đã thấy chồng rơm rớm khi hai đứa con tôi hân hoan nhảy cẫng lúc về ngôi nhà mới.
Tôi nhận ra rằng, suốt bao năm nay, tôi đã ấm ức, căng mình ra để ôm mọi việc vào thân mà không nghĩ ra cách giải quyết tốt hơn. Tôi chỉ nói mà đã quên làm. Gần đây, chồng tôi hay về sớm và quan tâm tới gia đình hơn. Bớt được một phần gánh nặng, tôi cũng vui vẻ, bớt cáu bẳn và dành nhiều quan tâm cho chồng hơn chứ không chỉ lo chăm con. Chúng tôi vẫn còn khoản nợ lớn nhưng thực sự tôi không thấy lo lắng quá nhiều và đã tìm được cảm giác bình yên trong tổ ấm thực sự của mình.