Lưu ý 3 rủi ro khi mua nhà qua vi bằng

  04/06/2020 - 03:23

Có không ít người hiểu nhầm về giá trị của vi bằng do thừa phát lại tương đương với công chứng nên đã "nhắm mắt đưa chân", xuống tiền mua nhà mà không xem xét cẩn thận. Trong trường hợp này, rất có thể người mua sẽ phải đối diện với 3 rủi ro không đáng có dưới đây.

 

1. Ngôi nhà đã bị thế chấp ngân hàng

Không ít trường hợp chủ nhà, đất bất chấp việc đã mang tài sản thế chấp ở ngân hàng, chuyển nhượng, cầm cố cho người khác bằng giấy tay mà vẫn lập vi bằng chuyển nhượng bất động sản. Trường hợp của chị May (Quận 7, TP HCM) là một ví dụ. Theo đó, chị đã mua 1 trong 4 căn nhà được người chủ xây trên khu đất 120m2. Cả 4 căn đều chung 1 sổ hồng do diện tích bị nhỏ hơn so với quy định được phép tách sổ. Theo hứa hẹn của người bán, anh này sẽ đưa tên cả 4 người vào sổ hồng sau khi 4 người mua nhà thanh toán xong giá trị hợp đồng.

Chị May chỉ có thể cùng người bán ra văn phòng thừa phát lại để giao tiền và lập vi bằng ghi nhận giao dịch của mình chứ không thể làm hợp đồng công chứng sang tên đổi chủ do phải chung giấy tờ pháp lý với 3 người khác. Song, chị cùng 3 người hàng xóm kia bất ngờ ngậm trái đắng khi chỉ mới dọn về nhà chưa được nửa năm đã nhận được thông báo siết nợ khu đất từ phía ngân hàng. Khi đó chị mới hay tin chủ nhà cũ đã thế chấp sổ hồng của khu đất và hiện đã không còn khả năng trả nợ. 

Lúc này, vi bằng lúc này chỉ còn tác dụng đưa ra để làm bằng chứng nếu chị May có ý định muốn kiện chủ nhà cũ về tội lừa đảo chứ không hề có giá trị về pháp luật để chứng minh việc ngôi nhà đã được chuyển quyền sở hữu cho chị. Vì vậy, gia đình chị sẽ phải "dứt áo ra đi", rời khỏi căn nhà khi ngân hàng tiến hành siết nợ. Thêm vào đó, việc khởi kiện người bán nhà về tội lừa đảo cũng tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là trong hoàn cảnh người này không thể trả nợ.  

Việc mua nhà qua vi bằng luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
Việc mua nhà qua vi bằng luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

 2. Bán một ngôi nhà cho nhiều người

Vi bằng là biên bản được cấp bởi văn phòng Thừa Phát Lại tại địa phương. Theo đó, văn bản này sẽ ghi lại ngày giờ, địa điểm cụ thể giữa các bên liên quan có cam kết một nội dung nào đó với nhau. Riêng với việc mua bán nhà đất, việc lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi giao nhận giấy tờ, tiền giữa các bên chứ không ghi nhận pháp lý hay nguồn gốc của nhà đất. Theo đó, vi bằng không thể có giá trị thay thế cho hợp đồng công chứng, chứng thực, đồng thời không phải là cơ sở cho việc thực hiện sang tên đổi chủ trong giao dịch BĐS.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có hiểu biết về vấn đề này nên đã không ít trường hợp các đối tượng xấu thường trục lợi bằng cách thu gom đất xây nhà và rao bán bằng vi bằng do thừa phát lại. Không những thế, có trường hợp còn lập vi bằng để bán một căn nhà cho nhiều người cùng một lúc. Đến khi xảy ra tranh chấp, người mua mới "tá hỏa" khi biết đã bị lừa trắng trợn còn kẻ lừa đảo kia đã hoàn toàn mất dấu.

3. Người thuê nhà đem nhà đi bán

Tham rẻ, nhiều người bất chấp mua nhà qua vi bằng với giá thấp rồi cho thuê lại với mong muốn đầu tư sinh lời. Song, cũng vì là nhà giấy tờ tay nên cũng sẽ có trường hợp khách thuê mượn bản photo giấy tờ này (với lý do là mang đi đăng ký thủ tục đăng ký tạm trú) để làm giả tài liệu rồi đem bán nhà cho những người khác nữa cũng bằng hình thức lập vi bằng.

Khi đó, khó tránh khỏi việc cả người mua và văn phòng Thừa phát lại bị lừa vì căn nhà chưa có sổ hồng, chỉ có giấy tờ tay nên khó có thể tra cứu được chủ nhân chính thức. Mọi việc xong xuôi, người đi thuê nhà sẽ ôm tiền "cao chạy xa bay" và để lại một mớ bòng bong cho người mua lại nhà cũng như người có nhà cho thuê. Lúc đó, chính bản thân người cho thuê cũng khó giành được phần thắng trong cuộc chiến tranh giành tài sản vì nhà giấy tờ tay nên việc chứng minh đó là tài sản của mình quả thật không hề dễ dàng.

(Theo Thanhnienviet)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu