30 tuổi, chưa kịp vui mừng khi sở hữu được căn nhà đầu tiên trong đời, anh Minh Long (Nghệ An) đã đành bán đi tài sản này để tất toán nợ với ngân hàng do chưa thực sự nắm chắc được bài toán tài chính.
Sau đây là chia sẻ của anh Minh Long về bài học kinh nghiệm "xương máu" về việc mua căn nhà đầu tiên sau khi lấy vợ:
Tôi là dân Nghệ An, lấy vợ người Sài Gòn và cũng lập nghiệp tại thành phố mang tên Bác. Để tiết kiệm chi phí, sau khi kết hôn cả hai quyết định về ở chung với gia đình nhà vợ. Mọi thứ tạm ổn cho đến khoảng 2 năm sau đó, em trai vợ lập gia đình nên nhà thêm người, thêm chật chội khiến việc sinh hoạt nhiều khi khá bất tiện. Công việc của vợ chồng tôi rất bận rộn, không gian riêng ở nhà thì không có nên mãi vẫn chưa có con. Thực sự thì thời điểm đó, cả 2 đều muốn có được căn nhà riêng dành cho mình nhưng cộng tất cả tài sản của chúng tôi, bao gồm tiền tiết kiệm của tôi trước khi lấy vợ, của hồi môn của vợ, tiền mừng cưới,… cùng tiền dành dụm sau hơn 2 năm mới được gần 500 triệu đồng. Việc mua nhà theo tính toán là bất khả thi.
Chúng tôi đành động viên nhau cố gắng ở chung với ông bà thêm vài năm để tranh thủ tích cóp thêm rồi sẽ tính cách vay tiền để ra riêng. Song, mâu thuẫn khi ở chung là không tránh khỏi, lại cộng thêm lời khích bác của bạn bè về việc tôi ở rể nên bất chấp lời khuyên can của vợ, tôi vẫn quyết định mua nhà để sống riêng. Chỗ tiền còn thiếu tôi tính vay ngân hàng rồi gắng cày cuốc để trả nợ là xong.
|
Quá nóng vội, tôi đã phải trả giá đắt khi mua nhà mà không tính toán kỹ bài toán tài chính của mình. Ảnh minh họa |
Tháng 6/2018, thông qua một môi giới, tôi đã tìm được căn hộ ưng ý sau một thời gian khá dài tìm kiếm. Căn hộ có giá 1,8 tỷ đồng, nằm tại quận 12, diện tích 68,5m2 (2PN). Để mua được căn hộ này, vợ chồng tôi phải vay ngân hàng 1,4 tỷ đồng trong vòng 15 năm với lãi suất ưu đãi 8,29%/năm. Số tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng gồm cả gốc lẫn lãi lên đến 17 triệu đồng, chiếm quá nửa tổng thu nhập thời điểm đó của chúng tôi (27 triệu đồng/tháng). Nhưng chúng tôi tặc lưỡi, cứ nghĩ rằng số tiền 10 triệu còn lại sẽ đủ để chi tiêu nếu biết cách co kéo, chắt bóp, miễn sao có nhà riêng để được sống thoải mái rồi tính chuyện sinh con, cả nhà sẽ sống hạnh phúc.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi chưa kịp vui mừng vì có nhà mới, trước áp lực trả nợ, vợ chồng tôi thực sự thấm thía cái gọi là "sức nặng của đồng tiền". Sau thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, lãi suất chúng tôi phải chịu là 10,2% (lãi vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3,8%). Trước đó mọi chi tiêu trong nhà đã phải thắt chặt để lấy tiền trả nợ thì nay, tháng nào chúng tôi cũng thiếu trước hụt sau, buộc phải vay nóng bạn bè, đồng nghiệp rồi đợi lấy lương tháng sau để trả nợ. Khó khăn gối khó khăn khi đúng lúc đó, mẹ tôi ở quê đổ bệnh nặng, phận làm con, tôi đang nợ nần cũng chạy vạy nhiều chỗ vay tiền gửi về cho mẹ chữa bệnh. Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, kéo chúng tôi vào vòng xoáy của chuỗi ngày vay nợ - trả nợ. Hối hận thì cũng đã muộn nhưng khi đó tôi mới hiểu vì sao gia đình nào cũng nên có một khoản tiền dự phòng cho những lúc cấp bách như thế này, nhất là khi chúng tôi lại đang cõng trên lưng khoản nợ hơn 1 tỷ đồng.
Cuộc sống của chúng tôi chẳng thể nào vui vẻ nổi trước gánh nặng về tiền bạc treo trên đầu như vậy. Thậm chí, vợ tôi còn bị suy nhược cơ thể, sụt cân vì lo nghĩ quá nhiều, mất ngủ kéo dài. Quyết định cuối cùng sau tất cả những "biến cố" xảy ra là bán căn nhà mơ ước này để "giải phóng" mọi nợ nần. Sau đó, chúng tôi dọn ra ở nhà thuê để cả hai tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống và chuẩn bị tích lũy cho mục tiêu dài hạn là mua nhà trong tương lai.
Bài học mà tôi rút ra sau thất bại từ căn nhà đầu tiên đó là sự nóng vội không hoạch định được bài toán tài chính cũng như khả năng chi trả là ngọn nguồn của tất cả mọi việc. Việc mua nhà khi vay tới trên 70% giá trị tài sản là quá mạo hiểm. Cùng với đó, việc chỉ quan tâm đến lãi suất ưu đãi mà không tìm hiểu lãi suất thả nổi cũng là một nguyên nhân khiến vợ chồng tôi “ngập” trong đống nợ.
Qua đây tôi cũng muốn gửi lời nhắn nhủ đến các đôi bạn trẻ đang có ý định mua nhà là việc vay ngân hàng hoàn toàn khả thi song phải vay trong ngưỡng an toàn và đừng bao giờ mua nhà bằng mọi giá. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe mới là những điều cần ưu tiên hơn cả vì tổ ấm hạnh phúc không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà trên nghĩa đen.