Cố gắng từng ngày để tự tay mua được một căn hộ do mình làm chủ, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bỏ ngoài tai những lời can ngăn "con gái độc thân thì đừng vội vay tiền mua nhà".
Với mức lương 12 triệu/tháng cộng với một chút vốn của bố mẹ, chị Huyền - một kế toán viên đã tích cóp được 500 triệu đồng sau 6 năm đi làm. Chị chia sẻ: “Tôi ở tỉnh lẻ chứ không phải những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM nhưng có vẻ sức nóng nhà đất tại đây cũng trở nên khá rõ ràng. Những người có tiền ở chỗ tôi từ vài năm nay đều đổ tiền đi tìm mua các mảnh đất quanh làng, kỳ vọng sau này khi mở thêm nhiều khu công nghiệp thì chắc chắn sẽ có lãi”.
Sống cùng với bố mẹ nên chị không mất tiền thuê nhà hay những chi phí khác đi kèm mà chỉ góp thêm 1 triệu tiền ăn mỗi tháng và thi thoảng mua đồ ăn ở siêu thị dịp cuối tuần. Có điều kiện để tích lũy, lại muốn sớm được sở hữu riêng một tổ ấm của mình và nhận thấy nhà ở chung cư rất hợp với sở thích, mong muốn của bản thân, chị Huyền đã xem xét và tìm hiểu về các dự án thuộc loại hình này. Cuối cùng, chị đã tìm được 1 căn hộ giá 1,2 tỷ đồng theo diện mua trả góp, dự tính sẽ trả xong trong vòng 6 năm.
Với tư tưởng "ăn chắc mặc bền" như ở quê thì việc mua chung cư của chị bị bố mẹ phản đối kịch liệt vì nhà đất mới là ưu tiên hàng đầu. Không những vậy, chuyện mua nhà khi còn độc thân cũng chịu sự ngăn cản vì ai cũng cho rằng sau khi lấy chồng mới cần tính đến vấn đề này.
Song, áp lực về tài chính mới là mối bận tâm lớn nhất đối với chị Huyền, đó là chưa kể đến trường hợp có thể bị giảm thu nhập trong quá trình trả nợ.
|
Dù chưa lập gia đình, chị Huyền vẫn quyết định mua riêng cho mình một căn hộ. Ảnh minh họa |
Suy đi tính tại, tin vào năng lực và kinh nghiệm tự quản lý tài chính của bản thân, chị Huyền quyết định mua căn hộ mơ ước. Để có thêm tiền trả nợ, chị nhận thêm việc bên ngoài, vậy là mỗi tháng có thêm 3 triệu nên nhìn chung mọi thứ khá suôn sẻ. “Tôi chưa từng gắn việc mua nhà với lấy chồng và tôi chọn chung cư vì muốn được tận hưởng một cách sống tiện nghi hơn. Hơn nữa, tôi cũng có thể cho thuê lại để có khoản tiền thu về hàng tháng do nơi tôi ở cũng có khá nhiều khu công nghiệp với nhiều chuyên gia thu nhập cao đến làm việc. Chỉ còn 1 năm nữa là tôi sẽ được nhận nhà”, chị Huyền cho biết.
Chị Huyền không phải trường hợp hiếm thấy vì có rất nhiều người trẻ đang làm việc tại các thành phố lớn cũng mạnh dạn xuống tiền để sở hữu được bất động sản đầu tiên trong đời khi còn độc thân. Dù trên thực tế, họ phải chịu thêm áp lực tài chính khi vừa ở trọ, vừa kiếm tiền trả nợ ngân hàng cùng vô vàn chi phí đi kèm khác của cuộc sống thành thị. Nhất là khi thu nhập hàng năm tăng không đáng kể so với việc tăng giá nhà.
Với nhu cầu mua nhà của nhóm đối tượng độc thân và gia đình trẻ ngày càng cao, mới đây Bộ Xây dựng đã chấp nhận giảm diện tích căn hộ tối thiểu xuống con 25m2 thay vì 45m2 như trước đó.
Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, có khá nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh câu chuyện mua nhà của con gái độc thân. Có ý kiến cho rằng: “Thế hệ trước thường tính quá chắc chắn và an toàn nhưng nếu chờ đợi thêm vài năm nữa, 1,2 tỷ đó chưa chắc đã mua được nhà. Nếu mua trước khi lấy chồng, căn nhà vẫn là tài sản của riêng bạn, do bạn đứng tên. Sau này, bạn cũng có thể tính đến phương án cho thuê. Biết đâu khi quyết tâm mua nhà, bạn sẽ có động lực hơn để sớm trả hết nợ và sau đó sở hữu thêm bất động sản nào khác”.
Một bạn tên Nguyên lại đưa ra quan điểm của mình: “Sau khi lấy chồng, tiêu chí về ngôi nhà muốn mua sẽ khác so với lúc độc thân, do đó để không phải chật vật tìm kiếm và bắt đầu mua lại, tôi nghĩ tốt nhất nên để sau khi lấy chồng mới mua. Hơn nữa, khi đó, gánh nặng, áp lực về tài chính cũng được san sẻ. Con gái độc lập quá chưa hẳn đã tốt”.
Về vấn đề xuống tiền mua nhà ngay hay tiếp tục đợi chờ, theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc mua để ở hay để đầu tư. Trong trường hợp mua để ở, bạn chỉ nên mua khi có đủ năng lực tài chính để vừa trả nợ tiền mua nhà nhưng vẫn đảm bảo được mức sống tối thiểu của bản thân.