Ông Danh cho rằng, ông mới chính là người đứng ra mua nhà đất trên, còn bà Liêng chỉ là người được ông cho ở nhờ mà thôi.
Điều qua tiếng lại, ai cũng nhận mình đúng nên cả hai đã đưa nhau ra tòa để được xét xử. TAND cấp cao TP.HCM mới đây đã mở phiên xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở giữa bà Trần Thị Liêng (70 tuổi) - nguyên đơn và vợ chồng ông Phan Danh, bà Nguyễn Thị Du (cùng ngụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - bị đơn.
Kiện đòi nhà suốt 12 năm ròng
Nội dung đơn kiện cho hay, bà Liêng là một Việt kiều Pháp, Mỹ, có ý định hồi hương vào năm 1988. Do đó, bà đã cùng gia đình mang theo 5.000-6.000 USD để mua nhà mỗi lần về Việt Nam trong khoảng thời gian 1998-2001.
|
Dãy nhà đất nằm trên đường Chu Mạnh Trinh, TP. Vũng Tàu mà hai bên đã tranh chấp suốt 12 năm qua. Ảnh: Đông Hà. |
Tại thời điểm trên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài không được đứng tên quyền sở hữu nhà, đất tại Việt Nam. Vậy nên, bà Liêng đã phải nhờ vợ chồng ông Danh - một người quen biết đứng tên hộ một số nhà, đất và bà là người giữ giấy tờ các bất động sản đó.
Nhưng đến tháng 5/2007, bà Liên đã phát hiện toàn bộ giấy tờ nhà, đất của mình bị mất và được biết vợ chồng ông Danh đã lấy để thế chấp ngân hàng vay khoản tiền 2,5 tỉ đồng. Nhưng vì không trả được cả lãi lẫn gốc nên khoản nợ ngân hàng đã bị đội lên đến tận 9,4 tỉ đồng ở thời điểm hiện tại.
Vì không còn nhà để về nên tháng 8/2007 bà Liêng đã kiện vợ chồng ông Danh ra tòa để đòi nhà. Đến nay, vụ án đã kéo dài tới 12 năm với 3 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm, 2 lần giám đốc thẩm nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết.
Nhân chứng khẳng định chỉ bán nhà đất cho nguyên đơn
Ông Danh tại nhiều phiên tòa đều khẳng định, các nhà, đất nằm trong diện tranh chấp đều được vợ chồng ông mua trực tiếp từ chủ đất và giao tiền tại phòng công chứng. Vì lời hứa sẽ bảo lãnh cho con mình đi du học nên vợ chồng ông mới cho bà Liêng ở nhờ. Do đó, ông yêu cầu tòa hủy đơn của bà Liêng và buộc bà phải bồi thường khoản tiền 3,6 tỉ đồng thiệt hại cho thuê nhà trong khoảng thời gian trên.
Các chủ đất cũ trong suốt quá trình xét xử, từ phiên tòa đầu tiên vào năm 2008 cho đến nay đều khẳng định chỉ bán đất cho nguyên đơn là bà Liêng.
Theo đó, vợ chồng ông Nguyễn Phan Giang xác nhận, năm 2001 bà Liêng có mua căn nhà số 16 Chu Mạnh Trinh, phường 8, TP. Vũng Tàu từ vợ chồng ông Hải và nhờ vợ chồng ông đứng tên giùm. Sau đó, vợ chồng ông được bà Liêng yêu cầu sang tên căn nhà cho vợ chồng ông Danh - bị đơn.
Vợ chồng ông Trần Văn Hường và bà Trần Thị Hạnh - chủ cũ của căn nhà liền kề số 18 Chu Mạnh Trinh đã bán tài sản này cho bà Liêng với giá 32.000 USD. Ông bà cũng được bà Liêng yêu cầu sang tên cho vợ chồng ông Danh.
Năm 2003, bà Phan Thị Quan đã bán khu đất khoảng 30m2 của mình cho bà Liêng với giá 50 triệu đồng. Khi ông Danh được bà liêng dẫn đến xem đã trả xuống còn 45 triệu đồng, bà Quan cũng đồng ý bán. Lúc này, ông Danh đã được bà Liêng đưa khoản tiền để 45 triệu đồng để mua khu đất.
Về 2 căn nhà giáp ranh số 14/1 và 14/3 trên đường Chu Mạnh Trinh, theo lời khai của bà Nguyễn Thị Phượng, ông Bùi Văn Ca và bà Nguyễn Thị Bắc, bà Liêng trước đây đã nhiều lần hỏi mua nhưng họ đều chưa có nhu cầu bán.
Đến năm 2006, khi vợ chồng ông Danh cùng người giúp việc của bà Liêng đến hỏi mua thì họ đồng ý chuyển nhượng với giá 700 triệu đồng. Bà Liêng đã cho sửa chữa lại nhà và khuôn viên sau khi mua lại. Đến năm 2004, mẹ bà Liêng đã qua đời tại một trong những căn nhà, đất này.
|
Bà Trần Thị Liêng suốt 12 năm ròng đi kiện đòi nhà, đất vì nhờ người đứng tên giùm. Ảnh: T.M. |
Cùng với đó, theo xác nhận của các nhân chứng như ông Trần Bá Thu - nguyên cảnh sát khu vực, bà Nguyễn Thị Quanh - giúp việc cho gia đình bà Liêng, bà Bùi Thị Cúc - tổ trưởng tổ dân phố và những người thợ xây từng được bà Liêng thuê xây, sửa chữa nhà trước đây, bà Liêng chính là người đã bỏ tiền ra để mua nhà, ông Danh chỉ là người đứng tên giùm cho bà Liêng.
Xử xong rồi bị hủy, hủy rồi lại xử...
Tại phiên xử sơ thẩm vào năm 2008, yêu cầu khởi kiện của bà Liêng đã bị TAND TP. Vũng Tàu bác bỏ và công nhận vợ chồng ông Danh là chủ sở hữu của các nhà, đất. Sau đó, bà Liêng kháng cáo. TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tuyên y án sơ thẩm tại phiên xử phúc thẩm.
Không chấp nhận kết quả trên, bà Liêng tiếp tục gửi đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên đã bị TAND tối cao hủy bỏ hiệu lực vào năm 2010, đồng thời, đề nghị bà Liêng làm rõ khoản tiền đã thanh toán cho các căn nhà là bao nhiêu, của vợ chồng ông Danh bao nhiêu và giải quyết khoản tiền mà bà Liêng đã bỏ ra mua nhà theo đúng quy định.
TAND TP. Vũng Tàu tại buổi xét xử sơ thẩm lần 2 vẫn giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm lần 1 và yêu cầu khởi kiện của bà Liêng cũng bị bác, công nhận vợ chồng ông Danh là người sở hữu, sử dụng nhà, đất trên. Bà Liêng vẫn kháng cáo.
TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó cũng tuyên y án sơ thẩm. Bà Liêng tiếp tục đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Đến năm 2014, bản án sơ thẩm và phúc thẩm lại một lần nữa được TAND tối cao hủy bỏ.
Xét thấy tính chất phức tạp của vụ án nên TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lục lại vụ án để giải quyết sơ thẩm vào năm 2016. Yêu cầu khởi kiện của bà Liêng đã được TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp nhận tại phiên xét xử sơ thẩm lần 3. Theo đó, quyền sở hữu, sử dụng các nhà, đất trên thuộc về bà Liêng, hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng và vợ chồng ông Danh bị hủy bỏ, phía nhà băng buộc phải giao lại giấy tờ nhà, đất cho bà Liêng để bà điều chỉnh, sang tên theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nghĩa vụ của bà Liêng là phải thanh toán khoản phí công sức trong việc thực hiện giao dịch, mua bán, sang nhượng giúp cho vợ chồng ông Danh với số tiền 1,4 tỉ đồng.
Tuyên án trên đều không nhận được sự đồng ý tờ cả bà Liêng lẫn ông Danh và ngân hàng, do đó, cả 3 bên này cùng kháng cáo. TAND cấp cao tại TP.HCM trong buổi xử phúc thẩm lần 3 đã kết luận, dựa theo hồ sơ vụ án và thông tin lời khai tại tòa, có đủ căn cứ để xác định bà Liêng là người đứng ra mua nhà, đất trên và vợ chồng ông Danh chỉ là người được nhờ đứng tên hộ.
Bà Liêng có trách nhiệm trả cho vợ chồng ông Danh khoản tiền 1,4 tỷ đồng vì đã có công trong việc giúp bà mua được các tài sản này. Nhưng về hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với ông Danh, các bên đều chưa đối chiếu công nợ, chưa xác định rõ lãi trong hạn và quá hạn kể từ khi thụ lý đến nay mà tòa sơ thẩm chưa làm rõ nên một phần bản án đã bị tuyên hủy.
"Tình ngay" phải được pháp luật bảo vệ
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, sự hình thành của pháp luật dân sự chủ yếu được dựa trên những quy tắc xử sự chung trong xã hội, hay nói rõ hơn là hình thành từ chính cuộc sống thực tế. Mà xử sự trong cuộc sống vẫn cần có cái tình bên cạnh chữ lý.
Vậy nên, trước khi phán xét lý có gian (nhờ đứng tên giùm) thì cũng phải xem xét tình có ngay không. Nếu xác định được "tình ngay" thì phải bảo vệ cái tình đó bằng chính quy định của pháp luật.
Như tình vụ án này là một ví dụ điển hình, cơ sở để chứng minh bà Liêng nhờ người khác đứng tên giùm để mua nhà, đất là hoàn toàn có đủ nhưng bà vẫn bị tòa án tuyên thua kiện là rất thiếu khách quan. Việc làm này đã vô tình khiến người dân mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như lòng tin vào công lý.
|