Để đảm bảo còn tiền phục vụ cho các nhu cầu khác sau khi mua nhà ở, khoản chi phí dành cho việc này chỉ nên chiếm tối đa 30-40% thu nhập trung bình của bạn.
Value Penguin đã đưa ra một vài lưu ý dành cho những người đang có ý định mua nhà ở, nhằm giúp họ có thể ước tính được số tiền mình phù hợp cho khoản đầu tư này:
|
Chỉ nên dành tối đa 40% thu nhập cho nhà ở, dù là nhà thuê, mua hay sửa nhà chữa. Ảnh: Ck1investmentgroup |
1. Không nên dành quá 30-40% thu nhập cho nhà ở
Đây là lời khuyên được hầu hết các chuyên gia tài chính đưa ra. Bởi, điều này sẽ giúp bạn đảm bảo được các nhu cầu cơ bản hàng ngày khác như thực phẩm, đi lại, y tế... sau khi đã có nhà ở. Chi phí cho nhà ở không chỉ đơn thuần nằm ở số tiền đặt mua, thuê, sửa nhà, mà nó gồm tất cả các khoản điện, nước, bảo trì, sửa chữa nhà... Ví dụ: gia đình bạn đạt tổng thu nhập 25 triệu/tháng thì dù là đang thuê hay mua trả góp, bạn cũng chỉ nên dành 7,5- 10 triệu đồng cho nhà ở.
2. Nguyên tắc đối với người thuê
Bạn có nhiều cách để quản lý chi phí dành cho nhà ở, dù giá của các bất động sản ở thành phố lớn hiện đang khá đắt đỏ. Điều trước hết mà bạn cần làm là nên chọn những khu vực không đắt đỏ để sống. Ví dụ, thay vì thuê căn hộ 30m2 với đầy đủ nội thất, giá 10 triệu/tháng ở khu vực quận 1, Tp.HCM thì bạn nên thuê ở quận 7 với mức 7 triệu đồng/tháng. Hay phương án khác là bạn có thể giảm tiêu chuẩn về độ đẹp, mới và rộng xuống khi chọn nhà thuê, hoặc có thể tìm người thuê cùng để giảm bớt chi phí.
Với những bạn đang có kế hoạch tiết kiệm tiền mua nhà thì phải cộng thêm cả số tiền tiết kiệm này vào ngân sách mỗi tháng của mình.
3. Nguyên tắc đối với người mua
Đối với những bạn có tổng thu nhập hàng tháng là 25 triệu đồng thì không nên dành quá 9 triệu đồng/tháng cho việc vay mua nhà, bởi, bên cạnh đó, còn hàng tá những khoản chi phí khác mà bạn phải gánh cho căn nhà như: điện nước, phí vệ sinh môi trường, phí dịch vụ nếu ở chung cư...
Một điều mà bạn cần đặc biệt lưu tâm, đó là, trước khi mua nhà, bạn nên có một khoản kinh tế nhất định và nó ít nhất phải bằng 30% giá trị của ngôi nhà, bởi, các ngân hàng thường chỉ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản theo định giá của họ (giá của ngân hàng đưa ra nhiều khi thấp hơn so với giá trị thị trường). Thêm vào đó, bạn cũng cần phải lường đến các khoản chi phí khác như phí bảo trì, sửa chữa... khi dọn vào nhà mới để ở.
Ngoài ra, cũng có thể có một số trường hợp ngoại lệ đối với quy tắc này. Đó là, những đối tượng như sinh viên mới ra trường, họ sẽ có khoản vay thời sinh viên cần giữ chi phí cho nhà ở mức thấp hơn. Người mua ngôi nhà thứ hai thì chi phí cho nhà đất của họ sẽ cao hơn mức 40%. Song, mức chi phí tối đa dành cho những người mới bắt đầu lập ngân sách cho nhà ở chỉ nên nằm trong ngưỡng 30-40%.