Khi chọn mua chung cư, anh Hưng vì muốn tiết kiệm vài chục triệu đồng đã chọn mua căn gần họng rác. Nhiều rắc rối trong cuộc sống của gia đình anh cũng bắt nguồn từ đó.
Anh Đinh Văn Hưng (34 tuổi) ở Hoài Đức, Hà Nội chọn mua một căn hộ nằm gần họng rác ở khu chung cư bình dân. Dưới đây là những chia sẻ của anh về những bất tiện mà anh gặp phải:
Đều làm công ăn lương, tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi chưa đến 20 triệu. Năm 2015, với khoản tiền tích lũy được và vay mượn thêm, chúng tôi quyết định mua một căn chung cư giá 1,2 tỷ ở ngoại ô Hà Nội. Bàn tính kỹ, chúng tôi chọn căn hộ trên mặt sàn có 11 nhà. Chúng tôi tìm hiểu căn số 9 và người bán nhà nói rõ giá căn này rẻ hơn một số căn khác vài chục triệu. Nguyên nhân là do căn hộ này nằm ở cuối dãy, gần họng rác và cũng không thoáng bằng những căn khác.
Nhưng vì kinh tế eo hẹp, chúng tôi vẫn chọn căn hộ đó. Hơn nữa, chúng tôi cũng thấy ưng diện tích mặt sàn, hướng hợp tuổi, lại không phải vay mượn nhiều.
Về nhà mới, cuộc sống không có gì để chê trách. Vợ chồng tôi đi làm đến tối mới về, con nhỏ được bà trông. Lúc đó cả sàn mới có 5 nhà ở nên khá yên tĩnh, hàng xóm cũng sạch sẽ. Vậy nên chúng tôi càng tin mình đã chọn đúng.
|
Nhiều gia đình chọn mua căn hộ gần họng rác có thể phải chịu nhiều phiền phức
vì không phải ai cũng có ý thức giữ vệ sinh chung |
Nhưng rắc rối bắt đầu xuất hiện một năm sau đó. Khi các nhà đã về ở đủ, có nhiều nhà thuê giúp việc từ nông thôn lên nên họ chưa quen nếp giữ vệ sinh trong khu chung cư. Nhiều người tiện tay để rác ngay ở cửa ra vào phòng để rác, gây mất mỹ quan.
Họ thậm chí còn treo túi cơm, canh thừa lên tay nắm cửa phòng này vì muốn "để phần cho bác lao công mang về nuôi lợn". Tôi đã nhiều lần góp ý nhưng họ vẫn không thay đổi. Nhiều người còn xách túi rác bị bục đi qua nhà tôi khiến nước chảy ra, bốc mùi hôi, tôi đành vác chổi ra lau dọn. Tôi sang tận nơi nhắc nhở thì tần suất mới giảm.
Vào những ngày trời nóng, khi có gió to, mùi rác bốc lên, tôi chỉ còn cách đóng chặt cửa. Chưa kể những người đi đổ rác không đóng cửa nhẹ nhàng khiến cả nhà tôi thi thoảng lại bị giật mình.
Tôi bàn với vợ hay bán căn hộ này đi nhưng tôi biết không dễ để bán được. Tôi ước giá ngày trước không tiếc vài chục triệu thì giờ đã không phải chịu cảnh lỡ dở thế này.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (Tp.HCM), hiện nay, tại các đô thị phát triển, chung cư là giải pháp tối ưu. Nhưng nhiều gia đình không lường trước được những bất tiện có thể xảy ra khi về ở. Để có không gian sống chất lượng, an toàn, khi chọn mua căn hộ, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
1. Hướng nắng và hướng gió: Bạn nên chọn căn hộ đón nắng hướng Nam hay hướng Đông thay vì hướng Tây hoặc hướng Bắc.
2. Lối thoát hiểm: Nhiều người chỉ quan tâm đến vị trí, diện tích căn hộ mà không chú ý xem lối thoát hiểm được bố trí thế nào, có hữu ích không.
3. Hành lang: Nếu hàng lang rộng rãi, thoải mái, trẻ con sẽ có thêm không gian vui chơi.
4. Văn hóa của chung cư. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếp sinh hoạt tại khu dành cho người thu nhập thấp sẽ khác với khu cho nhóm trí thức. Vì vậy, trước khi xuống tiền mua, bạn nên chú ý xem văn hóa khu chung cư đó có phù hợp với gia đình mình không.
5. Bạn nên lường trước những bất tiện có thể xảy ra nếu muốn mua căn hộ ở gần những khu tiện ích chung như họng rác..., đồng thời tham khảo thêm ý kiến của người quản lý chung cư. Nếu đã mua như trường hợp của anh Hưng, ngoài việc nhắc nhở hàng xóm, bạn có thể thay bộ cửa có ron cao su để giảm ồn và mùi từ bên ngoài vào nhà.
|