Trong cuộc sống hiện đại vẫn còn lưu truyền những kiêng kỵ liên quan tới việc dùng gương như "dùng kính thủy coi chừng thị phi" hoặc "gương là đũa thần cho nội thất".
Thực tế cho thấy, nghệ thuật sử dụng gương có liên quan đến cách thức trang trí nội thất, sao cho đảm bảo cả về công năng, tính thẩm mỹ lẫn yếu tố phong thủy.
|
So với gạch ốp, việc sử dụng kính sơn màu dạng phản quang sẽ tiện dụng
và sáng hơn cho mặt bếp. |
Gương tạo góc nhìn rộng hơn
Đặc tính của gương là phản quang, giúp phân tán các luồng khí và ánh sáng. Tuy nhiên, nếu gương phân tán được khí xấu thì cũng sẽ làm tiêu tán khí tốt trong trường hợp đặt sai vị trí. Do đó, có 2 nhóm ý kiến trái ngược nhau về gương. Cụ thể, một nhóm cho rằng, gương nếu được treo hướng ra ngoài tại nơi giao tiếp nhiều sẽ giúp phản lại những tác nhân xấu xâm nhập (xung sát). Theo quan điểm của một nhóm khác, gương nên được sử dụng để thu hút các hình ảnh bên ngoài vào nhà, mở rộng tầm nhìn, tăng thêm vật dụng cũng như lợi ích. Chẳng hạn, gương được đặt ở phía sau quầy tính tiền của quán xá, cửa hàng... nhằm gia tăng tiền bạc (?). Thế nhưng, những lý giải này chỉ mang tính trấn an tâm lý.
Chúng ta đều biết, gương có tác dụng phản quang, tạo góc nhìn rộng hơn và có khả năng hút sáng tốt. Thực ra, những hình ảnh được phản chiếu trong gương chỉ là ảnh ảo. Vì vậy, trong trường hợp gương gây hiệu ứng lệch lạc về thẩm mỹ, tạo cảm giác khó chịu, chói mắt, gây trở ngại cho giao tiếp thì gia chủ nên thay đổi ngay.
|
Mảng gương bố trí ở hai bên đầu giường ngủ không gây ảnh hưởng
về mặt phong thủy. (Ảnh: Song Nguyên) |
Cân bằng âm dương
Theo phong thủy, ánh sáng mang tính dương. Nếu muốn ánh sáng được dẫn truyền tốt thì bạn nên đặt gương ở vị trí lan tỏa ánh sáng cho các góc khuất, tối (mang tính âm). Do đó, trước khi đặt gương, chủ nhân cần xem xét không gian theo khu vực giao tiếp ít hay nhiều, dương hay âm nhằm chọn các vị trí thuận lợi về ánh sáng cũng như tầm nhìn.
Chẳng hạn, đối với phòng khách thiếu sáng, nhiều góc cạnh, bạn nên bài trí nội thất sao cho không cản đường đi của ánh sáng, cân nhắc việc mở cửa lấy sáng như thế nào, bổ sung thêm đèn chiếu sáng, đặc biệt là chọn vị trí treo gương để ánh sáng lan tỏa hiệu quả, tạo cảm giác rộng rãi hơn cho không gian phòng. Đối với căn phòng bị cột án ngữ, gia chủ có thể hóa giải bằng cách bọc gương, tạo cảm giác như cột "biến mất".
Mặt khác, để tạo vị trí Khai Môn theo hướng hợp với tuổi gia chủ, bạn có thể chèn gương vào các khung cửa giả. Đơn cử, nếu tuổi gia chủ hợp hướng Đông nhưng hướng này lại là bức tường tiếp giáp nhà hàng xóm nên không thể mở cửa, khi đó chủ nhà nên tạo khung cửa giả gắn gương ở vị trí này nhằm kích hoạt nguồn khí tốt.
Trong thiết kế nội thất, gương giúp đưa hình ảnh phong cảnh tươi đẹp bên ngoài vào nhà, tạo cảm giác rộng rãi hơn cho không gian và cung cấp tầm nhìn thoáng đẹp. Lưu ý là, gương soi trong một số trường hợp có thể gây nhiễu loạn thị giác hoặc nguy hiểm nếu có va chạm. Chính vì thế, gia chủ nên tránh lạm dụng gương mà chỉ sử dụng ở các vị trí cần thiết phải mở rộng không gian về mặt thị giác như lối đi nhỏ hẹp, mặt trong của tủ kệ, hốc tường... Để đảm bảo an toàn, bạn không nên treo gương trong tầm với của trẻ nhỏ.