ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) phản ánh định giá đất hiện nay thấp hơn giá
thị trường từ 30-60% so với giá thực tế thị trường chuyển nhượng, giá
đất đai tự phát và mang yếu tố đầu cơ chi phối tạo nên biến động lớn,
nhất là ở các khu đô thị.
ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) phản ánh: “Trong bồi thường khi
giải tỏa, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi
ích công cộng thì nguyên tắc bồi thường là giá đất phải sát với giá thị
trường vừa qua tại địa phương gặp rất nhiều vướng mắt trong việc xác
định giá thị trường các loại đất. Đây chính là cơ sở để người bị thu hồi
đất khiếu kiện”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, định giá đất là vấn đề rất nan
giải mà luật Đất đai sửa đổi bàn nhiều nhưng vẫn chưa ngã ngũ.
“Nói là giá đất trong điều kiện bình thường, thế nhưng vừa qua giá đất
của chúng ta lại chạy theo giá đất bất động sản. Chúng tôi vẫn nói vui
rằng, một số doanh nghiệp tay không bắt giặc, dựa vào vốn vay của Nhà
nước, mua đất rồi gim đất ở đấy, xây nhà để đó không bán được. Giá của
đất được hình thành như vậy, giá đó phải nói là giá đầu cơ, không bình
thường chút nào. Bây giờ chúng ta so sánh với giá đó là không nên”, ông
Quang lý giải.
Bộ trưởng khẳng định: “tới đây, giá đất thị trường sẽ ổn định lên rất
nhiều, trở lại bình thường chứ không phải bốc như vừa qua”.
Tham nhũng phải hỏi các tỉnh
Một số ĐB chất vấn trách nhiệm của Bộ về thực trạng khai thác khoáng sản
tràn lan. ĐB Danh Út muốn Bộ trưởng làm rõ vì sao trong 957 giấy phép
đã cấp có hơn 50% vi phạm luật khoáng sản.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, cấp phép sai chủ yếu là địa
phương, còn Bộ Tài nguyên cấp phép rất ít và làm rất nghiêm theo đúng
pháp luật.
Song trách nhiệm của Bộ đó là công tác thanh tra kiểm tra tiến hành nhưng chưa thường xuyên.
“Để xảy ra tình trạng cấp phép sai, hoạt động khai thác khoáng sản trái
phép tương đối nhiều ở các tỉnh có phần trách nhiệm của chúng tôi”, Bộ
trưởng Quang nói.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng liệu có hay không vấn
đề tham nhũng trong việc cấp phép khai thác khoáng sản sai luật?
Bộ trưởng cho rằng, có tham nhũng hay không “hãy hỏi các tỉnh” mới biết được.
“Chúng tôi làm theo phận sự, cấp phép ở trên này theo thẩm quyền, còn
cấp phép ở địa phương là trách nhiệm của các địa phương. Tôi không thể
trả lời có hay không tham nhũng được”, ông Quang nói.
Nghe trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang : “Tôi tin là có đấy”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, trong năm 2013 Bộ đã thành lập 8
đoàn kiểm tra việc cấp phép khai thác và thăm dò khoáng sản ở các tỉnh
thành và đã phát hiện 103 giấy phép cấp phép không đúng thẩm quyền, 37
giấy phép cấp phép khi chưa có quy hoạch được duyệt, 196 giấy phép cấp
phép nhưng không có dự án đầu tư được phê duyệt, 29 giấy phép cấp phép
khi chưa có đánh giá về tác động môi trường…
Ông cho hay, đến 30/11, các tỉnh có vi phạm phải báo cáo Chính phủ kết
quả xử lý. Nếu sau ngày 31/12 những tỉnh nào vi phạm không sửa sẽ bị xử
lý.
528 vụ khiếu kiện kéo dài
Trước các chất vấn liên quan khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm qua,
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã tiếp sức cho Bộ trưởng
giải trình một số nội dung.
Ông cho hay, cả nước hiện có 528 vụ khiếu kiện kéo dài, tồn đọng trong
nhiều năm, có vụ đã tồn tại trên 30 năm trải qua nhiều cấp, nhiều ngành
nhưng cũng chưa giải quyết được.
Trong đó, có 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo và 422 vụ liên quan đến đất đai (chiếm gần 80%).
Trước tình hình đó, Thanh tra Chính phủ cùng các bộ ngành đã thành lập 28 tổ công tác làm việc với các tỉnh thành phố.
Đến cuối tháng 6/2013, đã giải quyết được 465 vụ (88%). Hiện còn 63 vụ
chưa giải quyết được, trong đó 33 vụ rất phức tạp thuộc thẩm quyền địa
phương, 30 vụ thuộc thẩm quyền Chính phủ.
Kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh một số chính sách, ông Tranh cũng đề nghị
tăng cường tiếp dân, phổ biến nhận thức pháp luật cho người dân nhằm
tránh tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, xúi dục đi kiếu kiện.
Theo VietNamNet