Việc nới lỏng chính sách để người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam là cần thiết và nên thực hiện từ lâu. Đây không chỉ là nhu cầu chính đáng mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư cho khối ngoại
Cả người mua lẫn người bán đều tiếc nuối
Anh John, một giảng viên người Mỹ đã sống tại Hà Nội hơn 3 năm nhưng vẫn chưa thể có một chỗ ở ổn định. Anh vẫn đang thuê một căn hộ chung cư tại Keangnam và giá là hơn 1.000 USD/tháng. Anh John chia sẻ rằng nếu được mua nhà tại Việt Nam thì sẽ thuận lợi cho việc ổn định cuộc sống của anh và hơn nữa trong thời điểm này giá nhà đang rất hợp lý.
Anh John chỉ là một trong số rất nhiều người nước ngoài muốn mua nhà hoặc đầu tư vào BĐS tại Việt Nam. Nhưng hiện nay vẫn đang tồn tại một nghịch lý, trong khi số người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam ngày càng tăng thì chính sách của nhà nước cho vấn đề này vẫn không rõ ràng.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho biết, đã có không ít khách hàng nước ngoài hoặc Việt kiều đến tìm hiểu thông tin để chọn mua nhà nhưng họ buộc phải từ chối vì không đủ kiều kiện pháp lý. Cả khách hàng lẫn các chủ đầu tư đều cảm thấy rất tiếc.
Ông Trần Đức Minh, chủ đầu tư nhiều dự án chung cư cao cấp cho rằng lượng hàng tồn kho BĐS vẫn còn nhiều, đặc biệt là đối với phân khúc cao cấp. Vì vậy, nếu thay đổi các điều kiện để người nước ngoài có thể mua được nhà tại Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội giúp các nhà cung cấp phát triển phân khúc hàng cao cấp.
Chính sách cho người nước ngoài mua nhà cần được nới lỏng
Lẽ ra đã phải thay đổi từ lâu
Theo quan điểm của ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT thì việc nới lỏng và thay đổi các điều kiện để người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam còn quá chậm. Lẽ ra chúng ta đã phải thực hiện từ lâu. Đây là sẽ điều kiện cho sự hội nhập của nền kinh tế, đồng thời cũng sẽ tăng được lượng xuất khẩu BĐS tại chỗ. Theo ông Võ mối lo về sự xuất hiện tình trạng đầu cơ, gây bong bóng cho BĐS là không đủ căn cứ.
Trên thực tế, việc hạn chế Việt kiều mua nhà đã thực sự gây các bất lợi cho thị trường BĐS. Hệ quả tất yếu của việc này phát sinh khiếu kiện, tranh chấp khi họ phải nhờ người quen, người thân đứng tên nhà.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, các quy định trước đây vẫn chưa phù hợp và còn nhiều hạn chế. Bộ Xây dựng đã đưa rất nhiều điểm thông thoáng vào dự thảo luật để tháo gỡ khó khăn này.
Chính sách khác nhau tại mỗi nước.
Gần đây, vì đồng dollar yếu đi, lãi suất giảm nên rất nhiều người nước ngoài mua BĐS ở Mỹ. Tại đây, không có chính sách hạn chế người nước ngoài mua BĐS. Nhưng để tránh phải đóng rất nhiều tiền, người mua cần phải nghiên cứu kỹ chính sách thuế. Khi mua BĐS, những người không mang quốc tịch Mỹ chỉ được miễn thuế cho tối đa là 60.000 USD trong khi người dân Mỹ sẽ được miễn tới 5 triệu USD.
Tại Trung Quốc, chính phủ đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế cá nhân cũng như các doanh nghiệp nước ngoài mua BĐS. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc ban hành “Hướng dẫn về tăng cường quản lý cá nhân, thực thể nước ngoài mua BĐS ở Trung Quốc”. Mục đích của chính sách này nhằm thắt chặt sự tham gia của người nước ngoài vào thị trường BĐS. Cụ thể là mỗi cá nhân ở nước ngoài chỉ được phép một ngôi nhà để sử dụng và mỗi doanh nghiệp nước ngoài cũng chỉ có thể mua nhà vì mục đích kinh doanh tại thành phố nơi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.