Công khai dự án thế chấp ngân hàng để bảo vệ người mua nhà

  28/08/2017 - 10:17

Trước thông tin dự án Saigon One Tower bị thu giữ do nợ ngân hàng hơn 7.000 tỷ đồng, vấn đề quyền lợi của người mua nhà tại các dự án bất động sản đã thế chấp ngân hàng lại nóng trở lại.

Dự án Saigon One Tower
Dự án Saigon One Tower

Cách đây khoảng 1 năm, dư luận từng xôn xao với việc Công ty Tân Hoàng Thắng - chủ đầu tư dự án Rubyland bị điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm hình sự về việc thế chấp chung cư. Cụ thể, doanh nghiệp này mang dự án thế chấp tại ngân hàng, dù chưa giải chấp đã bán nhà, bàn giao căn hộ khiến 280 hộ dân chưa được cấp chủ quyền nhà. Mặt khác, không ít khách mua nhà tại một số chung cư như Cao Ốc Xanh, The Harmona cũng hoang mang, lo lắng trước thông tin dự án bị ngân hàng siết nợ.

Để ngăn chặn việc chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng nhưng vẫn mang dự án đi cầm cố hoặc vay vốn ngân hàng, chưa được giải chấp đã bán ra thị trường, Tp.HCM và Hà Nội đã quyết định công khai dự án bất động sản vay vốn ngân hàng, lần lượt là 26 và 77 dự án. Tuy vậy, trên thực tế, không phải người mua nhà nào cũng biết mình có quyền được đòi hỏi chủ đầu tư cung cấp các thông tin này. Thậm chí, khi bị chủ đầu tư từ chối cung cấp thông tin, khách hàng cũng chỉ có quyền duy nhất là từ chối mua nhà tại dự án đó.

Hiện tại, quy định của pháp luật về vấn đề này còn thiếu đồng bộ và lỏng lẻo. Chẳng hạn, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, các dự án vay vốn ngân hàng phải đăng ký tài sản đảm bảo trên hệ thống quản lý tư pháp. Trong khi đó, Điều 142, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 lại quy định bảo mật thông tin vay vốn của khách hàng. Do đó, người mua nhà rất khó tiếp cận thông tin tín dụng của dự án.

Theo quy định hiện hành, các dự án bất động sản phải có bảo lãnh của ngân hàng mới được bán hàng, áp dụng từ ngày 1/7/2015. Song, thực tế cho thấy, nếu dự án đó chỉ cần có một căn nhà bán trước thời điểm này thì cả nghìn căn còn lại được áp dụng theo quy định cũ, nghĩa là không cần phải có bảo lãnh ngân hàng. Như vậy cả ngân hàng cho vay vốn lẫn khách hàng đều phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi điều này.

Trên thực tế, đa số các dự án bất động sản đều phải vay vốn ngân hàng. Thế nên, để hạn chế thấp nhất rủi ro do thiếu thông tin, nhà băng cũng cần chủ động, tích cực phối hợp công khai, minh bạch thông tin. Bởi lẽ, khi dự án bất động sản gặp rủi ro thì nhà băng cũng lãnh đủ. Chưa kể, khi đặt vào thế buộc phải công khai, ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn trong xét duyệt hồ sơ vay vốn, quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình giải ngân, thu hồi nợ sau đó. Điều này sẽ giúp hạn chế thiệt hại cho tất cả các bên tham gia giao dịch bất động sản.

(Theo Báo Giao thông)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu