Vào ngày 17/1 vừa qua, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức cuộc tọa đàm "những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam". Tại đây, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về việc định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và đề xuất giải pháp tăng nguồn thu ngân sách từ đất đai.
Theo quy định hiện nay, khung giá đất do Chính phủ ban hành. Đây là căn cứ để các tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất.
Được biết, bảng giá đất được sử dụng trong các trường hợp như tính giá trị quyền sử dụng đất; tính lệ phí và phí trong sử dụng, quản lý đất đai; tính thuế sử dụng đất... Vậy nhưng, theo nguyên Cục Trưởng Cục quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, PGS.TS Nguyễn Văn Xa, so với giá thị trường thì giá đất nhà nước quy định luôn thấp hơn rất nhiều.
Ông Xa cho biết: "Ở một số nơi thuộc Hà Nội, Tp.HCM, giá đất lên tới 1,3 tỷ đến 1,4 tỷ đồng mỗi m2 nhưng khung giá đất cao nhất của nhà nước vẫn chỉ là 162 triệu đồng". Do bảng giá đất hiện không phù hợp với thị trường nên để đạt mức giá thấp nhất là 8 triệu đồng/m2, Tp.HCM đã điều chỉnh mức bồi thường khi giải phóng mặt bằng nhiều lần.
Giá đất cao nhất tại khu tứ giác "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng
(quận 1, Tp.HCM) khoảng 1,3 tỷ đồng/m2. (Ảnh: Hữu Khoa)
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ kiến nghị thực hiện cơ chế người dân tự đăng ký giá đất thuộc quyền sử dụng của mình. Theo chuyên gia này: "Bước đầu chúng ta có thể dùng mức đăng ký này để tham khảo, sau đó sẽ sử dụng vào một số việc nhất định".
Dự thảo Luật Đất đai năm 2003 đã đề cập tới việc để người dân tự đăng ký giá đất nhưng không được chấp thuận. Nhiều nước trên thế giới đã cho phép người dân đăng ký giá đất mà cá nhân đang sử dụng làm căn cứ bồi thường khi nộp thuế đất hoặc khi thu hồi đất.
Theo ông Võ: "Khi đó, nếu người dân lựa chọn giá đất cao thì lúc nhà nước thu hồi, tiền bồi thường sẽ lớn, nhưng họ lại phải đóng tiền thuế nhiều hơn". Trong khi Philippines, Indonesia thu thuế đất 1% thì Việt Nam chỉ thu 0,03%. Nhiều nước thu thuế đất "đủ để phát triển đô thị thì Việt Nam phải phát triển bằng nguồn vốn vay ODA", vị này nhấn mạnh.
GS. Đặng Hùng Võ đề xuất thực hiện cơ chế người dân tự đăng
ký giá đất thuộc quyền sử dụng của mình. (Ảnh: Ngọc Thành)
Trong khi đó, PGS Nguyễn Đình Thọ (Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường) cho hay, người dân Singapore và Đài Loan tự khai giá nhà đất. Trường hợp giá cao thì phải trả thuế nhiều, nếu giá thấp thì nhà nước sẽ thực hiện quyền tiên mãi, mua lại mảnh đất đó. Thế nên, người dân phải xác định mức giá đất hợp lý.
Ông Thọ cho rằng, trong tương lai, Việt Nam có thể định hướng thực hiện đề xuất trên của GS. Đặng Hùng Võ bởi cần có thời gian để chuẩn bị các điều kiện. Chẳng hạn, để thực hiện quyền tiên mãi phải xác định tổ chức đứng ra mua lại đất của các gia đình xác định mức giá thấp hơn giá thị trường.
Hơn nữa, Việt Nam hiện đang thu thuế theo bảng giá đất, do đó nếu muốn xác định theo giá người dân đăng ký thì phải quy định rõ trong luật. Điều này có nghĩa là, muốn thực thi đề xuất trên cần có thời gian chuẩn bị.
Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cường, Việt Nam cần xây dựng Bộ luật đất đai bởi các chính sách liên quan liên tục được điều chỉnh trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Cường cho biết thêm: "Ngân sách nhà nước thu được từ đất đai hiện chưa đáng kể, nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai còn tồn tại gây bức xúc cho người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, từ đó góp ý cho dự thảo Luật đất đai sửa đổi trong thời gian tới".