HoREA kiến nghị Tp.HCM "phá băng" cho 100 dự án đang chờ thanh tra, rà soát

  28/03/2019 - 02:28

Cho rằng nguồn cung sụt giảm mạnh sẽ khiến giá nhà tăng cao, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã kiến nghị UBND Tp.HCM và Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho 100 dự án đang chờ rà soát, thanh tra trên địa bàn TP.

giải quyết 100 dự án chờ thanh tra ở Tp.HCM
HoREA kiến nghị Tp.HCM sớm giải quyết 100 dự án bất động sản đang chờ thanh tra, rà soát trên địa bàn. (Ảnh minh họa: Internet)

HoREA cho hay, các doanh nghiệp bất động sản và Hiệp hội đều lo ngại tình trạng nhiều dự án không được cơ quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời khiến dự án bế tắc, không thể thực hiện, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2019.

Diễn biến này sẽ khiến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở tại Tp.HCM giảm mạnh, có thể đẩy giá nhà tăng cao hơn. Cơ hội tiếp cận nhà ở của phần lớn người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình đô thị cũng giảm xuống. Theo đó, việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở sẽ bị ảnh hưởng. 

Mặt khác, nếu nguồn cung bất động sản giảm thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ nhà đất cũng bị sụt giảm. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội kinh doanh, chi phí gia tăng, khó khăn chồng chất, thậm chí có thể dẫn tới phá sản. Hơn nữa, việc nhiều dự án bị xem xét, xử lý lại có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp, môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch và khó đoán định. 

Hiệp hội cho rằng, hệ thống pháp luật chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất là lý do khách quan dẫn đến tình trạng này. Thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, chồng chéo làm phát sinh cơ chế xin - cho tiêu cực. Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác thực thi pháp luật hiện còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu quả, hiệu lực. 

Vậy nên, HoREA đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ và UBND Tp.HCM khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với 100 dự án trên địa bàn đang chờ rà soát, thanh tra. Thế nhưng, việc này cần đảm bảo nguyên tắc không gây thất thoát tài sản công. 

Theo HoREA, việc rà soát nói trên nếu càng kéo dài thì càng khiến doanh nghiệp bất lợi bởi lãi vay ngân hàng, chi phí vốn tăng và mất cơ hội kinh doanh. Nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường sẽ giảm mạnh nếu lượng dự án sụt giảm. Điều này vừa khiến nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản giảm, vừa gây bất lợi cho cả người mua nhà lẫn thị trường địa ốc. 

(Theo Cafeland)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu