Cục Thuế Tp.HCM đã có buổi đối thoại với doanh nghiệp địa ốc mới thành lập vào ngày 6/6 vừa qua. Theo đại diện một số doanh nghiệp, tiền sử dụng đất (SDĐ) đang là gánh nặng đối với người mua nhà.
Thực tế cho thấy, gần như nhà đầu tư phải mua lại quyền SDĐ đến 2 lần. Cụ thể, nhà đầu tư phải tự đi mua đất của người dân theo giá thị trường, sau đó đóng tiền SDĐ cũng theo giá thị trường. Vì thế, chủ đầu tư tính vào giá thành và đẩy giá nhà lên rất cao, đè nặng lên người mua nhà.
Có cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu nhận định, tiền sử dụng đất vẫn là bất cập lớn nhất đối với các doanh nghiệp địa ốc mới thành lập. Nhà đầu tư không thể tiên lượng được trước khi quyết định đầu tư dự án nên tiền SDĐ vẫn là ẩn số; là gánh nặng khi doanh nghiệp phải mua lại quyền SDĐ đến 2 lần. Hơn nữa, việc này sẽ đẻ ra cơ chế xin-cho, nghĩa là phải qua quá trình thẩm định, xét duyệt phức tạp và để có kết quả phù hợp, có thể nhà đầu tư phải “thỏa thuận” với đơn vị tư vấn.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, nhà đầu tư phải mua lại quyền SDĐ đến 2 lần.
(Ảnh: Quang Huy)
Để thị trường bất động sản thực sự vận hành theo cơ chế thị trường cũng như giải quyết thực trạng nêu trên, HoREA kiến nghị thay đổi cơ chế tính tiền SDĐ dự án nhằm giảm giá thành nhà ở, loại bỏ cơ chế xin-cho và tăng tính minh bạch.
Lãnh đạo HoREA nhấn mạnh: “Cần phải cải cách triệt để quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền SDĐ của nhà đầu tư được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực”.
Hiệp hội trước đó cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi cách tính tiền SDĐ như là một sắc thuế khi chuyển mục đích SDĐ thành đất ở. HoREA kiến nghị bỏ hẳn khái niệm tiền SDĐ, thay thế bằng sắc thuế SDĐ ở với thuế suất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Đơn vị này cho rằng, điều này sẽ giúp hạn chế việc thu tiền SDĐ lần đầu quá lớn, đồng thời duy trì nguồn thu lâu dài, bền vững cho Nhà nước.
Tại buổi đối thoại, bên cạnh tiền SDĐ, một số ý kiến thắc mắc doanh nghiệp có trụ sở chính ở TP.HCM nhưng có hoạt động chuyển nhượng bất động sản Đồng Nai, Bình Dương,... sẽ khai nộp thuế như thế nào. Về vấn đề này, theo Trưởng phòng Tuyên truyền người nộp thuế (Cục Thuế Tp.HCM), ông Nguyễn Văn Thiện, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan quản lý thuế là cục thuế hoặc chi cục thuế nơi phát sinh hoạt động khai thác tài nguyên và chuyển nhượng bất động sản. Đối với trường hợp vừa nêu, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ khai thuế ở Đồng Nai, Bình Dương.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, ông Nguyễn Nam Bình đánh giá, thời gian gần đây, thị trường địa ốc có nhiều khởi sắc và tăng trưởng ổn định. Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, ngành thuế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể.
Ông Bình cho biết thêm, hiện Cục Thuế TP đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được hỗ trợ một số dịch vụ miễn phí trong thời gian đầu mới ra kinh doanh như miễn phí thủ tục về thuế trong thời hạn 1 năm, miễn phí chữ ký số; sử dụng phần mềm kế toán miễn phí thời hạn một năm...
Doanh nghiệp địa ốc thành lập mới tăng 73%
Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 50.534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2017, với tổng vốn đăng ký trên 485.000 tỷ đồng. Lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái là kinh doanh bất động sản, tăng 73% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký.
Trong 5 tháng qua, doanh nghiệp địa ốc thành lập mới tại Tp.HCM chiếm tỷ trọng cao nhất đến 42,6%, gồm 6.599 doanh nghiệp mới, vốn đăng ký trên 82.644 tỷ đồng.
|