Phải gửi tiền tiết kiệm 12 tháng là quy định mới nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người dân khi có nhu cầu vay vốn ưu đãi và thuê nhà ở xã hội (NOXH)
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay nếu người dân có nhu cầu muốn vay vốn ưu đã và thuê nhà ở xã hội (NOXH) thì sẽ phải gửi tiền tiết kiệm 12 tháng tại chính ngân hàng này. Điều này đã khiến không ít người dân lo lắng.
Lí giải từ phía ngân hàng, yêu cầu gửi tiết kiệm là để tạo thói quen tiết kiệm để trả nợ ngay từ năm đầu tiên cho người đi vay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng mức tiền gửi chưa hợp lý và gây khó khăn khăn cho người mua nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định phải gửi tiết kiệm khi mua nhà ở xã hội
đang làm khó người dân
|
Những vấn đề xung quanh quy định phải gửi tiết kiệm
Nghị định 100 đã nêu rõ về gói vay ưu đãi khi mua và thuê NOXH của Ngân hàng Chính sách xã hội đó là người dân thuộc đối tượng được vay ưu đãi mua và thuê nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được hưởng lãi suất vay 4,8%/năm và không phải trả lãi trong một năm đầu. Nhưng để có được nguồn vốn đó, người đi vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại chính ngân hàng này với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Hơn nữa nhiều ý kiến cho rằng mức gửi tiết kiệm hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng là quá cao. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình và khó có thể trả được cả gốc lẫn lãi. Dù Ngân hàng đã công bố mức lãi suất cho vay chỉ 4,8% (thấp hơn cả gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng) để giúp người thu nhập thấp, người nghèo có thêm cơ hội mua nhà song trên thực tế đến nay người có nhu cầu vay vốn vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này. Trong khi đó nguồn vốn giải ngân bị chậm khiến việc vay vốn mua nhà gặp khó khăn lại cộng thêm quy định mới phải gửi tiết kiệm lại bồi thêm sự khó khăn cho người mua nhà.
Nhưng đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẳng định, người dân đang có sự hiểu lầm. Cụ thể nếu người dân vay 600 triệu đồng trong 15 năm, với lãi suất 4,8%/năm, mỗi tháng, người dân sẽ phải trả gốc khoảng 3 triệu đồng và lãi 2,4 triệu đồng. Theo quy định của gói ưu đãi này, mỗi tháng người vay sẽ phải trả 2,4 triệu đồng còn 3 triệu đồng sẽ được chuyển vào một tài khoản tiết kiệm trong vòng 1 năm, lãi tiết kiệm người vay sẽ được hưởng. Hết một năm, số tiền tiết kiệm sẽ được dùng để trả lãi và gốc cho những năm tiếp theo.
Vậy nên lựa chọn mức tiền gửi và lãi suất bao nhiêu là hợp?
Trước ý kiến của người dân xung quanh quyết định trên, Ông Lê Hòàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau. Ngân hàng Chính sách xã hội nên xem xét ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay.
Trả lời về mức lãi suất gửi tiết kiệm, theo Chủ tịch HoREA, để khuyến khích gửi tiết kiệm và người gửi tiết kiệm không bị thiệt thòi, nên cho người gửi tiết kiệm nhà ở xã hội được hưởng lãi ngay từ thời điểm gửi tiền. Lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm bình thường đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng theo quy định của NHNN. Điều này sẽ hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, đó là bằng lãi suất cho vay nhà ở xã hội cho từng thời kỳ, tức là 4,8%/năm.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, NHNN nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng), lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay, áp dụng từ ngày 6/6/2016 đến hết năm nay tại các ngân hàng này, tương tự như tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài ngân hàng Chính sách xã hội, thì 4 nhà băng khác cũng được chỉ định tham gia cấp tín dụng nhà ở xã hội là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV cũng được giao là đơn vị đầu mối thu xếp cho vay nhà ở xã hội.
Điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội:
Thứ nhất, phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn;
Thứ hai, có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán/hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở;
Thứ ba, có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định;
Thứ tư, có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng;
Thứ năm, có giấy đề nghị vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội/xây dựng mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác.
|