“Đối với những trường hợp lần đầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, bảng giá đất mới sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến những trường hợp sử dụng đất trong hạn mức”, đó là nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM tại dự thảo Tờ trình về ban hành bảng giá đất năm 2015 đang chuẩn bị trình thành phố xem xét.
|
Bảng giá đất mới tại Tp.HCM sẽ ít nhiều tác động đến trường hợp sử dụng đất trong hạn mức (Ảnh minh họa) |
Đối với trường hợp sử dụng đất vượt hạn mức, theo đánh giá của Sở thì bảng giá đất mới sẽ “có tác động tích cực trong việc điều tiết thu nhập và tăng thu ngân sách”.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các quận, huyện đang ráo riết làm việc để phải gút lại bảng giá đất cụ thể ở mỗi địa phương vào ngày 18/12. Ngay sau đó, Sở sẽ trình bảng giá đất năm 2015 lên UBND thành phố. Dự kiến UBND thành phố sẽ trình Thường trực HĐND thành phố vào ngày 20/12 để kịp thời gian ban hành vào ngày 1/1/2015.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết đến ngày 14-11 mới ban hành Nghị định 104. Điều này sẽ làm hạn chế thời gian thực hiện theo quy định mới về khung giá đất của các tỉnh và thành phố, trong đó có Tp.HCM. Thông tin về giá đất thị trường tại hiện chưa đầy đủ tại một số khu vực, cũng chưa đánh giá toàn diện chi tiết tác động của dự thảo bảng giá đất theo khung giá đất mới đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết đã có nhiều ý kiến cho rằng sẽ không có nhiều xáo trộn cho các quận nội thành khi bảng giá đất theo khung giá mới được ban hành. Ngược lại, một số quận, huyện vùng ven sẽ bị tác động do có nhiều thay đổi trong giá đất ở tối thiểu tại đô thị. Cụ thể, theo Nghị định 104/2014 thì giá đất ở tối thiểu tại các đô thị đặc biệt như Tp.HCM là 1,5 triệu đồng/m2, giá đất tối đa là 162 triệu đồng. Trong khi đó tại bảng giá đất năm 2014, giá đất ở thấp nhất thành phố chỉ 110.000 đồng/m2 (khu dân cư Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ) và cao nhất là 81 triệu đồng tại đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Việc giá đất ở tối thiểu tăng lên hơn 10 lần dẫn đến điểm lo ngại rằng một số khu vực ngoại thành sẽ có bảng giá đất ở cao hơn giá thị trường.
“Người dân làm thủ tục hợp thức hóa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá. Nhưng đến khi bồi thường để giải tỏa thu hồi đất thì lại áp theo giá thị trường. Nhưng nếu giá thị trường thấp hơn so với bảng giá đất thì người dân sẽ gặp khó khăn. Bởi vậy các cơ quan chủ trì cần phải báo cáo về các vướng mắc trên để thành phố kiến nghị Chính phủ tháo gỡ” - một chuyên gia bày tỏ.