Hiện nay có hơn 3 triệu người
Luật
Nhà ở sửa đổi lần này sẽ mở rộng thêm hai đối tượng là tổ chức, cá nhân
định cư tại nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nới lỏng
điều kiện về thời gian cư trú.
Luật Nhà ở hiện hành quy định năm nhóm đối tượng người Việt Nam định cư
tại nước ngoài được sở hữu nhà trong nước gồm: Người về đầu tư lâu dài;
người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt
động thường xuyên tại Việt Nam; người có nhu cầu về sống ổn định tại
Việt Nam và người được phép cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.
Nhiều kiều bào có quốc tịch Việt Nam, những chuyên gia có kỹ năng,
chuyên môn đặc biệt, những người kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh
sống ở trong nước nhưng do không thuộc năm nhóm đối tượng nêu trên nên
không được sở hữu nhà ở. Vì vậy, dự thảo Luật Nhà ở sẽ nới lỏng theo
hướng bố cục lại nội dung và bổ sung hai nhóm đối tượng người Việt Nam
định cư tại nước ngoài được sở hữu nhà ở.
Theo dự thảo Luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của
pháp luật về quốc tịch nếu về Việt Nam đầu tư, học tập, làm việc hoặc
sinh sống thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở
thông qua hình thức mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia
đình, cá nhân hoặc của các DN kinh doanh BĐS trong dự án phát triển nhà ở
thương mại; được nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển
nhà ở thương mại; được phép chia lô bán nền để xây dựng nhà ở mà
không bị hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu.
Ngoài ra, người Việt Nam định cư tại nước ngoài có quốc tịch Việt Nam
hoặc không còn quốc tịch Việt Nam nhưng thuộc các diện: về đầu tư trực
tiếp tại Việt Nam, người có công với đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa
học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và
đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở
trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng thì cũng được
sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng
trở lên thì được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Riêng người Việt Nam định cư tại nước ngoài không thuộc các diện trên
nhưng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép miễn thị thực và được
phép cư trú từ 3 tháng trở lên cũng được quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ
hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và gia đình sinh sống tại Việt
Nam.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường
BĐS, Bộ Xây dựng: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt
kiều), dự kiến sửa đổi theo hướng cho phép tất cả đối tượng Việt
kiều về Việt Nam đều được mua và sở hữu nhà ở không hạn chế về
điều kiện và số lượng nhà ở được sở hữu. Ngoài ra, họ được
nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án phát triển
nhà ở để xây dựng nhà ở. Đồng thời, cho phép các đối tượng
này được thực hiện các quyền của chủ sở hữu như công dân ở
trong nước.
Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam,
ông Khởi cho hay: dự thảo sửa đổi theo hướng mở rộng hơn về đối
tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở so với hiện nay. Cụ thể, cho
phép đối tượng này được mua cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung
cư. Cá nhân nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở
lên thì được mua tối đa hai nhà ở. Ngoài ra, cho phép cả chi
nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài đang hoạt động tại
Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở.