Chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2016, Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP đã được dư luận đón nhận tích cực bởi nhiều quy định rõ ràng liên quan đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong và ngoài nước có nguyện vọng giao dịch, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thông tư số 19/2016/TT-BXD gỡ vướng nhiều thủ tục sở hữu, chuyển nhượng nhà ở.
(Nguồn ảnh: TL).
Theo đó, tại Điều 16 - Thông tư 19 quy định về tiêu chí, nguyên tắc xét duyệt đối tượng được thuê mua, thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Quy định nêu rõ, việc lựa chọn đối tượng được thuê mua, thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 49 và Điều 51 của Luật Nhà ở, Điều 14 của Thông tư. Nếu quỹ nhà ở xã hội không đủ để bố trí cho tất cả các đối tượng có đủ điều kiện đăng ký thuê mua, thuê thì thực hiện lựa chọn thông qua phương pháp chấm điểm theo thang điểm tối đa là 100, ai có tổng số điểm cao hơn sẽ được ưu tiên giải quyết cho thuê mua, thuê trước.
Trên nguyên tắc chấm điểm và thang điểm này, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở hoặc cơ quan quản lý nhà ở có thể đưa ra các lựa chọn đối tượng được thuê mua, thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang được giao quản lý, nhằm đảm bảo minh bạch, công khai, đúng đối tượng.
Với loại hình mua bán nhà ở thương mại, theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BXD, các cá nhân, tổ chức mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại chưa nhận bàn giao nhà ở hay đã nhận bàn giao nhà ở có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng này cho cá nhân, tổ chức khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu hợp đồng mua bán với chủ đầu tư có nhiều nhà ở thì phải chuyển nhượng toàn bộ số nhà trong hợp đồng đó. Trong trường hợp bên chuyển nhượng có nhu cầu chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở đã mua của chủ đầu tư thì trước khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng hợp đồng, bên chuyển nhượng phải lập lại hợp đồng mua bán nhà ở hoặc phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư cho những nhà ở chuyển nhượng.
Đồng thời, trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại cũng được Thông tư 19 hướng dẫn chi tiết với các mẫu biểu thống nhất. Cụ thể, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thống nhất lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo đúng luật định.
Đặc biệt, Thông tư nói trên còn có các điều khoản hướng dẫn rất chi tiết cách thức xác định số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu. Với một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp), cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó. Nếu tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi khối nhà, mỗi đơn nguyên.
Cònvới nhà ở riêng lẻ (gồm nhà ở liền kề, nhà biệt thự, nhà ở độc lập) mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ có một dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của dự án, tối đa không vượt quá 250 căn nhà; nếu có từ hai dự án trở lên thì cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ tại mỗi dự án, tổng số nhà ở riêng lẻ mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu tại tất cả các dự án không vượt quá 250 căn nhà.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Khởi đánh giá, Thông tư 19 mới được ban hành có nhiều điểm kế thừa và làm rõ Nghị định 76 và Thông tư 16 trước đó. Thông tư này đã đưa ra được các biểu mẫu rất cụ thể từ định hướng phát triển, nhu cầu quản lý liên quan đến các cơ quan nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, các mẫu đơn thuê mua, mua hợp đồng hướng tới nhiều đối tượng cụ thể trong xã hội, nhằm sự nhất thể hóa trong quá trình ban hành văn bản. Như vậy, với sự ra đời của Thông tư mới, một số vướng mắc trước đây về trình tự thủ tục và hồ sơ giấy tờ đã được xử lý.