Tích tụ đất đai không được làm nghèo người dân, không để người dân mất việc

  17/04/2017 - 07:43

Ngày 14/4/2017, tại hội nghị tìm giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thu hồi đất của các hộ gia đình không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Đồng thời, tình trạng sử dụng đất không hiệu quả vẫn còn nhiều.

tập trung, tích tụ đất đai
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tích tụ đất đai mà làm theo phong trào
thì chắc chắn thất bại.

Phó Thủ tướng cho biết, chính sách quản lý đất đai và thực tế sử dụng đất vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần tập trung khắc phục. Trong đó, quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản đối với cá nhân, hộ gia đình thông qua nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng, xử lý nợ chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn; có trường hợp còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy hoạch chưa rõ, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều nơi còn chưa phù hợp, gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển ngành nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người nông dân".

Tại hội nghị, một số quan điểm lớn khi tiến hành tích tụ, tập trung ruộng đất cũng được chỉ ra, trong đó nhấn mạnh đến việc phải dựa trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung. Cùng với đó, việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào.

Theo Phó Thủ tướng: “Nếu tích tụ, tập trung ruộng đất một cách hình thức, phong trào, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực của chủ thể thì chắc chắn sẽ thất bại”.

Ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tích tụ ruộng đất nhưng phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các chủ thể tham gia phát triển nông nghiệp; tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo người dân, không để người dân mất việc làm, nghèo đói.

Mặt khác, việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, khu vực, địa phương; phải phù hợp với đặc điểm về địa hình, đất đai, khí hậu, văn hoá, tập quán…

Phó Thủ tướng cho rằng, tích tụ và tập trung ruộng đất phải lấy doanh nghiệp, tổ chức hợp tác, chủ trang trại làm động lực. Vậy nhưng, cá nhân, hộ gia đình, người dân là thành viên quyết định thành công của quá trình tính tụ, tập trung đất đai, vì thế phải được tham gia một cách bình đẳng trong tập trung, tích tụ đất đai.

(Theo Vneconomy)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu