Ngày 23/9 vừa qua, trong buổi làm việc của Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong với UBND quận Bình Tân, kiến nghị tái phân cấp thẩm quyền ký giấy chứng nhận (GCN) nhà đất và chống ngập là hai nội dung nổi cộm.
Kiến nghị giao huyện/quận cấp giấy chứng nhận
UBND quận Bình Tân cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016 có đến trên 5.000 hồ sơ đất đai bị trễ hẹn và quận này phải gửi thư xin lỗi người dân. Theo quận Bình Tân, lý do của sự chậm trễ này là Văn phòng Đăng ký đất đai TP bị quá tải khi giải quyết thủ tục hồ sơ nhà đất cho dân.
Vì vậy, quận Bình Tân đề nghị UBND TP xem xét, quy định thẩm quyền ký GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, quận hoặc UBND huyện, quận đối với các trường hợp đăng ký biến động mà phải cấp mới GCN và cấp lại GCN do bị mất để đảm bảo thời gian trả hồ sơ cho dân.
Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM cho hay, trung bình mỗi tháng Sở phải ký từ 7.000 - 8.000 giấy mỗi loại, đây là con số quá lớn. Nhiều thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nên không hoàn tất kịp. Mặt khác, do quy trình chuyển lên trên ký rồi chuyển về cho dân nên rất nhiều trường hợp bị chậm và phải xin lỗi người dân.
Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường thống nhất ý kiến của quận Bình Tân trong phân cấp thẩm quyền đối với vấn đề này theo hai hướng: Phân cấp lại cho UBND các huyện, quận cấp hoặc giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai TP thí điểm cấp luôn, không cần trình lãnh đạo Sở.
Sở Tài nguyên - Môi trường hiện đã kiến nghị Sở Nội vụ và Sở Tư pháp trình UBND TP chọn một phương án phù hợp để áp dụng thực hiện trong thời gian tới.
UBND quận Bình Tân cho hay, có hơn 5.000 hồ sơ đất đai bị trễ hẹn trong 9 tháng
năm 2016. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Xây trái phép ảnh hưởng lối thoát nước
Đối với công tác chống ngập, theo UBND quận Bình Tân, trong 9 tháng đầu năm nay, quận đã nạo vét 9/9 tuyến kênh rạch nhưng chỉ nạo được 81/248 tuyến cống thoát nước dọc theo các tuyến đường do TP phân cấp cho quận quản lý.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập hiện nay (triều cường, mưa lớn) nhưng trong đó có nguyên nhân do công tác quản lý yếu kém, để tình trạng xây dựng trái phép trên các tuyến kênh mương làm ảnh hưởng lớn đến việc chống ngập. Do đó, khi triển khai các dự án chống ngập phải bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Đây là cái giá phải trả cho sự quản lý yếu kém, nếu quản lý chặt hơn thì đã không xảy ra cơ sự này, ông Phong nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP cho biết thêm, một bộ phận người dân thiếu ý thức khi quăng rác xuốngcống dẫn, kênh rạch, khi mưa xuống cống thoát nước bị nghẹt nên thoát nước rất chậm. Ngoài ra, có tuyến thắt cổ chai, nước mưa cộng với nước xả thải thì không thể không ngập.
Ông Phong khẳng định, nếu người dân cùng chính quyền không để tình trạng ứ đọng trên các tuyến kênh rạch thì sẽ tạo đường thoát khi trời mưa lớn. Việc chống ngập không chỉ triển khai các dự án mà công tác quản lý cũng phải được tăng cường.
Trên 6.200 camera quản lý an ninh trật tự
Theo thông tin từ UBND quận Bình Tân, hiện nay tổng số camera trên địa bàn quận là 6.203 cái. Năm 2016, UBND quận này đã ban hành kế hoạch về triển khai hệ thống camera giám sát phục vụ công tác đảm bảo an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Khai thác hình ảnh camera cho thấy, có 43/251 vụ phạm pháp hình sự (17.06%) được camera ghi hình đối tượng gây án, qua đó góp phần phục vụ cho quá trình khám phá án. Có 2/64 vụ tai nạn giao thông và 6/164 vụ va chạm giao thông được camera ghi hình phục vụ công tác truy tìm phương tiện gây án bỏ trốn, điều tra tai nạn.