Hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị vừa được UBND Tp.HCM tổ chức.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, tính đến nay có 36.000 căn nhà trên, ven kênh rạch đã được thành phố di dời. Hiện còn 21.850 căn nhà trên, ven kênh rạch cần phải di dời để chỉnh trang đô thị, tái lập cuộc sống cho người dân.
Tại một số quận có nhiều nhà ven, trên kênh rạch như quận 8 có 11.447 căn, Bình Thạnh 2.959 căn, quận 7 có 2055 căn… Song ngân sách nhà nước dành cho chương trình này chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu, do đó Tp.HCM cần xã hội hóa nguồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Sử Ngọc Anh cho biết, hiện nhu cầu đầu tư chung cho phát triển Tp.HCM trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng.
Hiện Tp.HCM còn 21.850 căn nhà trên, ven kênh rạch cần phải di dời để chỉnh trang đô thị
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của thành phố bao gồm các mục tiêu di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu.
Theo ông Tuấn, để triển khai thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên, ven kênh rạch, Tp.HCM đã phân loại các dự án thành 3 nhóm. Nhóm dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách gồm 52 dự án, quy mô di dời 14.403 căn, dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 22.381,7 tỷ đồng.
Nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị gồm 3 tuyến kênh rạch, quy mô di dời 1.801 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.702 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP gồm 6 dự án, quy mô di dời 6.223 căn, dự kiến kinh phí bồi thường khoảng 19.023,7 tỷ đồng.
Ông Tuấn nói: "Hiện nay có 7 dự án đang thực hiện dở dang, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 với vốn đầu tư 978 tỷ đồng, 18 dự án (18.910 căn) đã được ghi vốn vào cuối năm 2017 và đợt 1 năm 2018. Theo quy định, đến giữa và cuối năm 2018 các dự án này sẽ thực hiện với nhu cầu vốn hơn 12.800 tỷ đồng; 27 dự án còn lại chưa có chủ trương đầu tư. Nếu trong năm nay các quận thực hiện thủ tục thì phải đến năm 2020 mới triển khai việc bồi thường".
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, xã hội hóa nguồn lực đầu tư là chủ trương đúng đắn, lãnh đạo thành phố nghiên cứu cơ chế, thu hút nhà đầu tư. Với hội nghị này Tp.HCM mong muốn lắng nghe đóng góp ý kiến từ các nhà đầu tư để Tp.HCM có cơ chế phù hợp, hoàn thiện tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư tham gia chương trình này.