Với một loạt điều chỉnh đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 tại khu Tây Bắc cho thấy chính quyền Tp.HCM đang hướng sự phát triển theo khu vực này.
Đồ án quy hoạch chung của Tp.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào các năm 1993, 1998, 2010 và dự kiến điều chỉnh phê duyệt vào năm 2016 để phù hợp với tình hình phát triển chung của địa phương này. Nhất là, việc rà soát lại những đồ án quy hoạch sau 5 năm theo đúng tinh thần Luật Quy hoạch nhằm phù hợp với thực tiễn.
Tp.HCM trước đây xác định một trong những hướng chính khác là phát triển về phía Nam và Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (Tp.HCM) và Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai). Tuy các khu vực này có đất đai rộng lớn nhưng hạ tầng đô thị còn yếu kém. Trên thực tế, TP đã tính tới hướng phát triển này từ rất sớm.
Hiện Cần Giờ đang có dự án khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển với quy mô trên 850 ha. Trong khi ở Nhà Bè, công trình khu đô thị - công nghiệp cảng Hiệp Phước cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với quy mô lên tới 2.000 ha, khu vực này dự báo sẽ trở thành địa điểm gắn giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị của TP.
Tuy không được xác định là hướng chính để phát triển, thế nhưng với ưu điểm là hạ tầng tốt, thuận lợi cho cảng biển, gần trung tâm… nên vùng đất này trỗi dậy khá nhanh bởi được nhiều nhà đầu tư chú ý và thu hút khá đông dân cư đến sinh sống. Hơn nữa, việc phát triển khu vực này cũng đang kéo các vùng đất khác của Long An phát triển với các dự án khu dân cư, khu công nghiệp đang được hình thành. Phải nói rằng đây là vùng đất đầy tiềm năng trong tương lai.
Những đồ án quy hoạch mới đây cho thấy Tp.HCM đang dần có sự chuyển
hướng phát triển khu vực Tây Bắc.
Vậy nhưng, trên thực tế, vấn đề ngập nước của TP sau những cơn mưa lớn, tình trạng kẹt xe kéo dài ở những cửa ngõ từ phía Nam vào TP (dù các dự án khu đô thị mới tại các khu vực này cư dân về ở chưa nhiều) đã khiến các nhà quản lý, những nhà làm chính sách, nhà quy hoạch phải xem xét lại quy hoạch khu vực này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia đô thị học, khu Nam là vùng trũng, đây là khu vực chứa và thoát nước. Chính vì vậy, khi phát triển đô thị tại khu vực này một phần không gian thoát nước đã bị lấp là điều tất yếu. Cho nên, nếu không xử lý tốt vấn đề về hồ điều tiết cũng như hệ thống thoát nước thì tình trạng ngập úng của TP ngày một nghiêm trọng hơn.
Đô thị vệ tinh Tây Bắc là một trong những định hướng phát triển của Tp.HCM trong tương lai. Nhưng suốt nhiều năm qua, việc phát triển đô thị theo hướng Tây Bắc vẫn chưa được như kỳ vọng bởi kết nối hạ tầng bị còn nhiều hạn chế, tồn tại. Hướng phát triển Tây Bắc, Bắc gắn với Hóc Môn, Củ Chi dọc Quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia.
Khu vực này được xem là hướng phát triển phụ song lại có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng tiếp cận với các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh và các tỉnh khác của miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với diện tích khoảng 6.000 ha cùng một số khu đô thị tại quận 12, Hóc Môn phát triển trong tương lai sẽ tạo động lực, giúp cả vùng này phát triển theo.
Đã có không ít ý kiến cho rằng, nên đưa dân lên các vùng có địa hình cao để ở, trong khi TP lại tập trung phát triển công nghiệp trên vùng cao để rồi từ đó dồn chất thải xuống vùng trũng (khu Đông và Nam) và người dân phải hứng chịu. Với việc điều chỉnh hàng loạt đồ án phân khu tỷ lệ 1/2.000 được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP phê duyệt gần đây cho thấy, địa phương đã tập trung phát triển đô thị vùng cao thay vì vùng trũng. Các quyết định 3045/ QĐ-SQHKT, 287/QĐ-SQHKT, 288/QĐ-SQHKT, 289, hay 3046… tập trung phát triển, kiến tạo nơi đây những khu đô thị sinh thái, hệ thống giáo dục, trung tâm hành chính,...
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, TP sẽ tập trung phát triển hạ tầng khu vực này trong năm 2016, các dự án chờ vốn sẽ được ghi vốn để triển khai. Vừa qua, CTCP Đầu tư IDICO quyết định đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng để mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ An Lạc (Bình Chánh) đến An Sương (quận 12), đây được coi là động thái kết nối giao thông vào khu vực Tây Bắc.
Đến năm 2025, dự báo Tp.HCM sẽ có 10 triệu dân và là một siêu đô thị năng động tầm cỡ quốc tế. Đặc biệt, việc phát triển không gian đô thị có tính đến việc kết nối với các đô thị lân cận, phát triển của vùng... sẽ làm diện thay đổi diện mạo đô thị theo hướng ngày càng hiện đại hơn.
TP được quy hoạch mở rộng theo 4 hướng, tiến hành xây dựng những khu đô thị vệ tinh như trên không chỉ linh hoạt, hợp lý, giải quyết được tình trạng quá tải về dân số mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển Tp.HCM thành một siêu đô thị hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.