Không có chuyện xuất hiện khu ổ chuột
Văn bản đề xuất này của HoREA được đưa ra với nội dung kiến nghị cho phát triển loại nhà ở xã hội (NOXH) nhỏ một phòng ngủ. Giá bán mỗi căn như vậy khoảng 200 triệu đồng. Kiến nghị làm căn hộ giá rẻ nhưng HoREA vẫn cho biết hướng chủ đạo vẫn là tập trung phát triển loại căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 50-77 m2, giá bán 500-700 triệu đồng/căn.
Năm 2017, HoREA từng đề xuất Tp.HCM làm nhà ở thương mại 25 m2 nhưng không nhận được sự đồng thuận. Tp.HCM lo ngại căn hộ diện tích nhỏ (dưới 45m2 mỗi căn) sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình đô thị hóa. Điều này dẫn đến kịch bản làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đồng thời, việc nới lỏng này có thể phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị. Vì vậy đề xuất lần này lại làm dấy lên lo ngại với diện tích nhỏ, Tp.HCM sẽ xuất hiện những "khu ổ chuột trên cao".
Nguy cơ xuất hiện "khu ổ chuột trên cao" lại tăng lên khi đề xuất xây nhà 25m2
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết đề xuất được đưa ra dựa trên cơ sở các văn bản luật và dưới luật.
Cụ thể, Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội quy định diện tích căn hộ 25-70m2 (diện tích căn hộ tối đa có thể có dung sai +10%, lên đến 77m2) có từ 1 đến 2 phòng ngủ.
Thông tư 20 của Bộ Xây dựng cũng quy định cá nhân, hộ gia đình có thể làm nhà trọ, phòng trọ cho thuê (có khu vệ sinh bên trong) có diện tích tối thiểu 10m2. Trước đó, TP HCM có ban hành quy định phòng trọ (có khu vệ sinh bên trong) phải có diện tích sử dụng tối thiểu 12m2.
Theo ông Châu, nói căn hộ từ 25m2 ổ chuột là cực đoan, chỉ đúng với các chung cư lụp xụp, cơi nới nhiều, không đảm bảo mỹ quan, quản lý kém.
Bình Dương có nhiều dự án căn hộ 30 m2 không hề ổ chuột, một số nước cũng phát triển căn hộ 12m2, 14m2, 16m2 đảm bảo nhu cầu người dân. Ở nhiều quốc gia, với căn hộ nhỏ, chủ đầu tư thiết kế các tiện ích chung cho toàn tòa nhà để đảm bảo diện tích sử dụng, ví dụ khu giặt giũ chung hoặc ứng dụng công nghệ làm căn hộ thông minh...
Việc thiết kế căn hộ khoa học, quản lý chung cư hiệu quả, quy củ chính là phương thức hoạt động tốt nhất cho các chung cư này, Chủ tịch HoREA nêu quan điểm.
Đồng thời, Tp.HCM không phải chưa từng có căn hộ diện tích nhỏ. Trước năm 1975, thành phố đã có 474 chung cư thấp tầng (phần lớn là 4 tầng) với những căn hộ diện tích chỉ khoảng 28-30m2, trong đó có nhiều căn hộ được người dân cơi nới thêm và sử dụng trong 50 năm qua.
Từ năm 1975 đến nay, thành phố đã bố trí chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên, người lao động tại nhiều chung cư và nhà tập thể cũ, trong đó, có những chung cư, nhà tập thể với các căn phòng ở rất nhỏ, chỉ có diện tích khoảng 10-20 m2 như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 có 12 tầng với hơn 500 căn hộ...
Giải pháp làm nhà ở 200 triệu đồng
Chủ tịch Hiệp hội cho biết nhiều người nói Tp.HCM không thể phát triển nhà ở xã hội 200 triệu đồng, nhưng điều này thành phố có thể làm được, với điều kiện sử dụng đất công, hạ tầng đầy đủ.
Một dự án nhà ở xã hội đang dần hoàn thiện tại Tp.HCM
Đối với đất công, HoREA đề xuất sử dụng quỹ đất công tại các nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi) do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý; nông trường Láng Le do UBND huyện Bình Chánh quản lý. Tổng diện tích vào khoảng 6.000 ha, chưa tính quỹ đất các nông trường ở huyện Cần Giờ và một số khu đất được quy hoạch đất dự trữ của thành phố. Tuy nhiên để sử dụng, các nông trường này cần được bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Quỹ đất công khác là các nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; Quỹ đất của các cơ quan nhà nước thuộc diện sắp xếp hoặc của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Đặc biệt, Hiệp hội nhấn mạnh quỹ đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất như Khu chế xuất Linh Trung I,II,III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha, nhất là trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2), Công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (647 ha, trong đó có khoảng 2/3 diện tích thuộc Bình Dương).
Riêng Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước (3.600 ha) có điều kiện thuận lợi về quỹ đất nhưng do nền đất yếu, lại chưa phát triển đầy đủ hệ thống hạ tầng, dịch vụ nên chi phí đầu tư loại nhà này sẽ cao hơn. Khu chế xuất Tân Thuận (320 ha) cũng đã điều chỉnh quy hoạch và đã giao cho Công ty Sadeco và các doanh nghiệp FDI phát triển dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, lao động của khu chế xuất và của doanh nghiệp FDI.
Ông Châu tính toán với quỹ đất trên, Tp.HCM có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30 m2 có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.
Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua trong lúc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao vẫn cần phát triển nhiều căn hộ cho thuê có diện tích từ 25-50 m2/căn.