Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở theo Luật nhà ở năm 2014, mới đây Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã đưa ra kiến nghị cho phép Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tại Tp.HCM và Hà Nội có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài.
Luật nhà ở (sửa đổi) năm 2014 cho phép Việt kiều được mua và sở hữu bất
động sản tại Việt Nam.
Thế nhưng, theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, vấn đề cấp giấy xác nhận gốc Việt Nam cho đối tượng người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài hiện có hộ chiếu nước ngoài hay các giấy tờ giá trị khác như hộ chiếu hoặc không có hộ chiếu Việt Nam được tiến hành theo thông tư hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) hay Sở Tư pháp nơi đương sự cư trú chính sẽ là cơ quan đảm nhiệm việc tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam.
Sở Tư pháp tại các tỉnh sẽ xử lý vấn đề cấp giấy xác nhận người có gốc Việt Nam. Do đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, không cần thiết phải bổ sung Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội và Tp.HCM, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề xác nhận là người gốc Việt Nam.
Về vấn đề thời hạn cấp visa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, có 20 loại thị thực khác nhau để cấp cho các cá nhân nước ngoài phù hợp với mục đích nhập cảnh của họ.
Hiện nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cấp thị thực không quá 5 năm, trong khi cá nhân nước ngoài là lao động (đã có giấy phép lao động) được cấp thị thực với thời hạn không quá 2 năm, với những cá nhân nước ngoài khác được cấp thị thực với thời gian tối đa không quá 6 tháng (thị thực VR), không quá 30 ngày (thị thực sứ quán), không quá 3 tháng (thị thực du lịch, hội nghị) và không quá 1 năm với những loại thị thực khác.