Trên thực tế đã có hàng loạt công trình xây dựng sai phép không được xử lý kiên quyết khi cho phép tồn tại ở Tp.HCM trong thời gian qua. Vậy nhưng, khi người dân sửa chữa căn nhà của mình lại bị xử lý rất kiên quyết, điển hình là trong năm 2014 TP đã việc tháo dỡ hàng trăm căn nhà xây dựng không phép của người dân tại Bình Chánh, Thủ Đức...
Hàng loạt công trình lớn xây dựng sai phép vẫn tồn tại
Huyện Bình Chánh ra quân xử lý việc xây dựng nhà sai phép, không phép với điểm nóng là 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B trong năm 2013-2014. Trong chiến dịch này, trên 300 căn nhà thuộc địa bàn Bình Chánh đã bị "san phẳng". Hầu hết chủ nhà đều là người nghèo từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào mua đất bằng giấy tay sau đó tự xây nhà. Họ đã phải chung chi một khoản tiền để được xây nhà. Thậm chí, trong quá trình cưỡng chế tháo dỡ, đã có không ít người dân nói thẳng là đưa tiền cho những ai... song vẫn bị ủi sập tất.
Thế nhưng, hàng loạt công trình lớn xây dựng sai phép lại được chính quyền nhượng bộ. Chẳng hạn, vào ngày 21/2/2012, 6 block chung cư trên đảo Kim Cương tại phường Bình Trưng Tây (quận 2) xây dựng vượt tầng so với giấy phép đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Vi phạm cụ thể là, block 16 tầng được chủ đầu tư xây thành 17 tầng, trong khi block 18 tầng xây thành 19 tầng, còn block 19 tầng cơi nới thành 21 tầng, tương tự block 20 tầng xây 21 tầng, block 24 tầng xây lên 25 và block 25 tầng xây lên 26 tầng. Theo đó, toàn bộ diện tích xây sai phép trên 2.900m2.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu ngưng thi công. Khi tiếp xúc với báo giới, lãnh đạo UBND TP cũng tỏ ra cương quyết xử lý sai phạm. Tuy nhiên, vụ việc này được “om” đến tháng 8/2012, lúc đó Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh thiết kế của toàn bộ dự án. Dĩ nhiên, công trình sai phép này tiếp tục tồn tại.
Cơ quan chức năng phát hiện công trình chung cư 20 tầng tại số 258 Đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1) xây dựng tăng diện tích gần 430m2 so với giấy phép vào tháng 8/2010. Chính quyền Tp.HCM xử phạt và buộc phải tháo dỡ toàn bộ phần xây sai phép song chủ đầu tư chỉ tháo dỡ hơn 150m2 và xin được tồn tại đối với phần còn lại. UBND TP đồng ý cho tồn tại hơn 270m2 xây dựng sai phép như đề nghị của chủ đầu tư trong tháng 7/2011.
Nhà dân xây sai phép bị tháo dỡ ngay, trong khi công trình lớn vi phạm xây
dựng vẫn tồn tại. (Ảnh minh họa, nguồn: cafef).
Vào cuối năm 2009, cơ quan chức năng cũng phát hiện tòa nhà 11 tầng ở số 233 Đồng Khởi xây dựng sai phép khi tăng diện tích gần 400m2 tại tầng 10 và sân thượng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã ra quyết định đình chỉ thi công và niêm phong tòa nhà. Tuy vậy đến năm 2010 Sở Xây dựng chấp thuận cho tồn tại phần diện tích 84m2 xây lố trên sân thượng. UBND TP đồng ý cho tòa nhà này được giữ lại diện tích hơn 300m2 sàn xây dựng sai phép vào tháng 5/2011, kèm theo điều kiện buộc chủ đầu tư không được bố trí văn phòng mà làm mảng xanh tại phần diện tích sai phép.
Hay như vụ xây dựng tòa nhà 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), dự án này xây dựng tăng diện tích sàn ở tầng lửng, sai phạm các khoảng lùi sau, lùi trước và bên hông công trình cũng như thay đổi công năng tầng 1 đến tầng 4... Mặc dù vụ việc được phát hiện song chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây cho đến khi hoàn thành. Thế rồi, UBND TP cũng cho phép tồn tại với lý do sự việc... đã rồi, toàn bộ công trình sẽ bị ảnh hưởng nếu tháo dỡ phần xây sai phạm.
Mai một niềm tin của dân
Thực tế cho thấy, lãnh đạo các cấp đều tuyên bố kiên quyết xử lý khi một công trình lớn sai phạm bị phát hiện, tuy nhiên cuối cùng vẫn cho tồn tại. Nhưng lại kiên quyết xử lý đối với những sai phạm nhỏ lẻ của người dân. Vì thế, niềm tin của người dân vào các cơ quan chức năng ngày một mai một. Không những thế, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn do đó càng thêm khó khăn. Vì nếu xử lý một trường hợp không nghiêm sẽ tạo tiền lệ cho những người sau vi phạm.
Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ông Nguyễn Văn Đực nhận định, việc cho phép tồn tại những công trình sai phép, đặc biệt là phần diện tích dôi ra sẽ để lại nhiều hệ lụy về mật độ xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, dân số… sẽ bị phá vỡ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương và nhân viên thanh tra xây dựng địa bàn liên tục giám sát nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Thế nên, không chỉ phạt chủ đầu tư mà địa phương đó, các cơ quan và nhân viên chức năng trên địa bàn ấy cũng phải chịu trách nhiệm nhất định. Hệ thống văn bản pháp quy để ngăn chặn việc xây dựng sai phép, không phép và xử lý vi phạm này đã được quy định rõ ràng.
Cùng với đó, nhiệm vụ, chức trách được phân định rõ ràng giữa cơ quan TP, các cơ quan cấp quận, phường... Hơn nữa, đã có Luật Thanh tra để tập trung quyền lực về sở xây dựng địa phương. Đồng thời, Chính phủ có quy định về mức độ xử phạt hành chính, HĐND và UBND các địa phương có các quy định cụ thể trong xử lý vi phạm lĩnh vực...
Nhiều chuyên gia cho hay, lý do khiến tình trạng trên vẫn tiếp diễn là nởi người thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra chưa làm hết trách nhiệm. Xử lý không cương quyết khi vụ việc xảy ra, trách nhiệm không rõ ràng, vì thế nhiều công trình khủng vẫn cứ tiếp tục sai phép nhưng vấn được tồn tại.