Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, ẩn số tiền sử dụng đất, chính sách tín dụng chưa phù hợp, thủ tục hành chính kéo dài,... là những điểm nghẽn kìm hãm đà tăng trưởng của thị trường địa ốc Tp.HCM năm 2017.
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý với Thường trực Thành ủy, UBND Tp.HCM về đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP. Theo đó, HoREA đã nêu ra 5 điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của thị trường địa ốc Tp.HCM cần được khơi thông.
Tp.HCM cần nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: P.D)
Một là, tiền sử dụng đất hiện là gánh nặng, ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho" trên thị trường. Trước thực trạng này, UBND Tp.HCM đã cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất dự án ngay sau khi Sở Tài nguyên - Môi trường TP xác định giá đất để chủ đầu tư tiếp tục làm các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, phát triển dự án. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp giảm được khoảng 6 tháng chờ làm thủ tục thẩm định giá đất như quy trình trước đây, qua đó góp phần giảm giá thành nhà ở.
Hai là, điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được,doanh nghiệp bị chôn vốn trong thời gian dài, không có lối ra.
Ba là, việc chuyển nhượng dự án BĐS do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai. Hơn nữa, việc này cũng chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án. Trong khi đó, đây một hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp BĐS.
Bốn là, chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường BĐS, trong khi tính chất hoạt động của thị trường này là trung, dài hạn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm nay. Hiện Nhà nước vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Năm là, thủ tục hành chính kéo dài, nhiêu khê, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Chẳng hạn như ở khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1 (từ trên 20 tầng) đều phải thông qua Cục Quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), sau đó nộp hồ sơ này về Sở Xây dựng để xin cấp giấy phép xây dựng.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, lẽ ra quy trình cấp giấy phép xây dựng đã phải bao hàm công tác thẩm định thiết kế nhưng lại bị tách ra thành 2 quy trình rất nhiêu khê. Rất cần thiết và hợp lý nếu phân cấp cho Sở Xây dựng cũng có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình cấp 1, từ đó sẽ rút ngắn được thời gian làm thủ tục hành chính, dự án sớm triển khai thực hiện và góp phần làm giảm giá thành nhà ở.