Từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) TP. Đà Nẵng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Nhưng tại một số dự án BĐS trên địa bàn lại có dấu hiệu tăng giá bán, thực trạng này đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là chiêu “làm giá” kích cầu thị trường và đang được thực hiện không đúng thời điểm?
Tình trạng đầu tư BĐS theo kiểu “lướt sóng” quay trở lại.
Thời gian gần đây, thị trường BĐS Đà Nẵng có nhiều sôi động, nhất là ở phân khúc đất nền. Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, TP hiện đang thu hút nhiều chuyên gia và nhà quản lý về làm việc tại địa phương... Đồng thời, các chủ đầu tư cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị phân phối, tư vấn và tổ chức sự kiện mở bán các dự án đất nền, biệt thự, căn hộ... nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng lẫn nhà đầu tư thứ cấp.
Ngoài người dân địa phương thì đa số đối tượng quan tâm và đầu tư vào BĐS Đà Nẵng là các nhà đầu tư đến từ các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội. Do đó, suốt thời gian qua, giá nhà đất tại khu vực trung tâm hay ven biển đang được đẩy lên từng ngày. Thậm chí, một số người còn lùng mua cả những dự án nằm cách xa trung tâm TP.
Tuy nhiên, khi số lượng giao dịch tăng thì tại một số dự án bán có sự chênh lệch giá ngay lập tức, người mua trước bán lại cho người mua sau, với giá cứ nhích dần lên theo từng cấp từ 25-50 triệu đồng/nền. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ độ “nóng” của BĐS Đà Nẵng trong thời điểm hiện tại và lo ngại nguy cơ đầu tư BĐS theo kiểu “lướt sóng” có dấu hiệu quay trở lại.
Hiệp hội BĐS Đà Nẵng đánh giá, giá nhà phố trên địa bàn trong năm 2014 đã tăng 20% - 30% so với các năm trước. Theo đó, cách đây chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng công trình cầu Nguyễn Tri Phương thì giá đất nền tại Khu đô thị Nam cầu Nguyễn Tri Phương đã tăng lên từ 30 - 50 triệu đồng/nền so với thời điểm mở bán.
|
Tại Đà Nẵng, đất nền đang có dấu hiệu tăng giá |
Hay khi công trình Nút giao thông khác mức ngã Ba Huế hoàn thành vào cuối tháng 3/2015 thì từ cuối năm 2014 giá đất nền tại Khu đô thị Phước Lý đã tăng lên 25 - 30 triệu đồng/nền.
Tương tự, tại một số khu đất nền khu vực bến xe trung tâm đang tăng giá lên từng ngày do có sự đầu tư mạnh mẽ các dự án trục giao thông chính và khớp nối gần với các khu vực trung tâm, các khu du lịch của TP. Đà Nẵng. Nổi bật là ở khu vực trung tâm TP tăng đến 50%.
Nếu như trước đây tìm mua một căn nhà 3 tầng trên đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường ra sân bay Đà Nẵng, nằm ở khu vực trung tâm khoảng trên dưới 15 tỷ đồng, nhưng nay hoàn toàn không có mức giá đó và cũng rất ít người rao bán.
Có thể thấy, tình trạng tăng giá trong một thời gian ngắn đang ảnh hưởng tiêu cực đến những người có nhu cầu thật sự về nhà ở. Nhất là trong bối cảnh nhiều người dân có nhu cầu mua nhà đất nền tại TP. Đà Nẵng phải qua sàn trung gian hoặc nhà đầu tư thứ cấp.
Hiện đang công tác tại TP. Đà Nẵng, Anh Nguyễn Đức Quân cho biết, anh dành dụm được khoảng gần 500 triệu đồng và có ý định mua 1 lô đất làm nhà ở. Nhưng dạo quanh các dự án đất nền đang rao bán thì nhiều “cò đất” bao vây, tuy cùng diện tích, vị trí nhưng giá thì mỗi nơi một kiểu làm anh khá hoang mang.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BĐS TP. Đà Nẵng như cách đây 5 năm là khó thành hiện thực. Thế nên, những dấu hiệu tăng giá trong thời gian gần đây cũng chỉ là sự tăng trưởng nhẹ. Theo đánh giá của Giám đốc một sàn giao dịch ở Đà Nẵng thì mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng giao dịch trên thị trường vẫn chưa thật sự rõ ràng và vẫn cần có sự cẩn trọng nhất định trong sóng đầu tư. Hiện nay, với sự minh bạch của thông tin nhà đất nên thị trường khó xuất hiện chuyện mua một lời gấp ba lần như trước.
Vị giám đốc này nhắc lại câu chuyện BĐS Đà Nẵng hồi năm 2007 thay cho lời cảnh báo. Khi đó, nhiều người mua không có kinh nghiệm nên đã gây ra hiệu ứng “đám đông”, họ giành giật để mua, bán tạo “bong bóng” trên thị trường BĐS. Cho đến nay, nhiều người vẫn ôm cục nợ, có người thậm chí mất nhà vì mua đất nền.