Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC) đã đầu tư hơn 5,5 tỷ USD vào bất động sản (BĐS) kể từ năm 2013, riêng trong năm 2015, đã bơm hơn 3 tỷ USD vào địa ốc nước ngoài, theo báo cáo mới phát hành vào tháng 7 của CIC.
Được biết, CIC là nhà đầu tư BĐS toàn cầu lớn nhất Trung Quốc. Đơn vị này chia sẻ định hướng kinh doanh về lâu dài sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các loại hình tài sản có thể tạo ra lợi nhuận ổn định như BĐS và cơ sở hạ tầng.
CIC hiện đã có hơn 40 khoản đầu tư vào BĐS trên khắp Bắc Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.
Thông tin mới nhất cho biết, hiện CIC là một trong những chủ sở hữu tài sản lớn nhất thế giới, trong 3 năm trở lại đây đã đầu tư 5,5 tỷ USD vào BĐS.
Trong năm 2015, CIC đã bơm 3 tỷ USD để đầu tư và thâu tóm các dự án BĐS nước ngoài, gồm cả việc hợp tác với AEW Châu Âu để mua lại 10 trung tâm mua sắm trên khắp nước Pháp và Bỉ với trị giá 1,35 tỷ USD.
Bất động sản toàn cầu thu hút các nhà đầu tư đến từ châu Á.
Ngoài CIC, giới đầu tư Châu Á đang chuyển hướng sang đầu tư BĐS toàn cầu.
Theo số liệu từ Ủy ban Quản lý Giám sát Bảo hiểm Trung Quốc, các công ty bảo hiểm Trung Quốc hiện đang chuyển dịch cơ cấu vốn hướng về các kênh đầu tư khác kể từ năm 2012, các khoản đầu tư này chiếm hơn 1/3 tổng tài sản của họ, vượt xa so với đầu tư vào trái phiếu.
Adia, Temasek, GIC, KWAP và Australian Future Fund vừa công bố các kế hoạch đầu tư vào các kênh thay thế khác khi mà việc tạo ra lợi nhuận từ thị trường chứng khoán và trái phiếu còn nhiều khó khăn.
Kết quả khảo sát gần đây của tập đoàn JPMorgan Asset Management cho thấy, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại các quỹ hưu trí Nhật Bản. Cụ thể, khoảng 70% số người được khảo sát đang đầu tư vào các kênh thay thế với tỷ trọng khoảng từ 17% đến 18% danh mục đầu tư của họ, theo sau trái phiếu nội địa.
Tỷ trọng phân phối vào các kênh đầu tư thay thế đạt mức kỷ lục là 14% vào cuối năm tài khóa kết thúc ngày 31/ 3 khi các quỹ hưu trí bắt đầu chuyển dịch đầu tư sang BĐS, cơ sở hạ tầng và trái phiếu tư nhân để thu về mức lợi nhuận ổn định mà trước đây trái phiếu chính phủ đã từng đem lại. Cũng theo kết quả khảo sát, khi mức lãi suất âm vẫn còn làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Nhật Bản, gần một nửa số người được phỏng vấn đang thay đổi hoặc cân nhắc lại các chính sách đầu tư của họ.
Giám đốc Nghiên cứu Thị trường vốn của JLL toàn cầu, David Green-Morgan đánh giá: “Với việc ngày càng có nhiều quốc gia giảm mức lãi suất về gần bằng không hoặc thậm chí âm, nhà đầu tư tổ chức trên thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được một mức lợi nhuận ổn định". Hiện lãi suất cố định đang giảm xuống gần như bằng không. Ngay cả khi mà bạn muốn đầu tư vào trái phiếu thì hoạt động của các ngân hàng trung ương vẫn đang khiến cho việc mua trái phiếu trở nên khó khăn hơn.
Với quan niệm 'lãi suất thấp để phát triển bền vững' trên toàn cầu, BĐS đã không còn là một kênh đầu tư thay thế mà nó đã trở thành một loại tài sản đầu tư chính thống thu hút giới đầu tư.