Xuất hiện ồ ạt các dự án BĐS sinh thái "tỷ đô"
Không ít dự án BĐS du lịch, sinh thái có quy mô lớn, với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD cho thấy nhiều nhà đầu tư đánh giá cơ hội kiếm lời từ phân khúc này.
Hiện có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng hàng tỷ đô đang được thực hiện
(Ảnh minh họa)
Vừa qua, Công ty TNHH New City Việt Nam đã làm lễ động thổ dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD tại tỉnh Phú Yên.
Được biết, dự án có 100% vốn nước ngoài được xây dựng trên địa bàn các xã ven biển An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An) và An Phú (TP. Tuy Hòa) do Công ty TNHH New City Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này có sự tham dự của các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Australia và Hoa Kỳ.
Khu du lịch gồm cụm resort, biệt thự, khách sạn, bungalow với các dịch vụ hiện đại, cao cấp. Tại đây còn có cảng du thuyền đạt chuẩn quốc tế và dịch vụ vui chơi cao cấp trên biển; bên cạnh đó, một dự án thành phần khác biến đảo Hòn Chùa thành cụm du lịch cao cấp tầm cỡ quốc tế có tên gọi Sunrise Phú Yên.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận với đề nghị của Bộ Xây dựng về việc đầu tư Dự án xây dựng Khu vui chơi giải trí, công viên sinh thái và nhà ở đảo Vũ Yên tại huyện Thủy Nguyên và quận Hải An (Hải Phòng) do Vingroup làm chủ đầu tư.
Tổng vốn của dự án này là 22.000 tỷ đồng (1 tỷ USD). Khi hoàn thiện, đảo Vũ Yên sẽ thành khu đô thị sinh thái bao gồm các biệt thự sinh thái, công viên sinh thái, khu vui chơi giải trí và sân golf 36 lỗ. Tổng diện tích của dự án là 872 ha.
Trước đó, nhiều đại gia nước ngoài đã nhìn thấy "miếng bánh ngon" và có kế hoạch đầu tư lớn. Đơn cử, tại Quảng Ninh nhà đầu tư Đài Loan đã quyết định rót hơn 1 tỷ USD xây dựng Khu đô thị sinh thái, với quy mô 516 ha tại đảo Hoàng Tân tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).
Dự án Khu phức hợp vui chơi giải trí (casino) tại đảo Tuần Châu, có tổng vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD của Tập đoàn ISC Corp (Mỹ).
Mới đây, LDG Group cũng đã mở bán dự án Grand World khu biệt thự nghỉ dưỡng tại Phú Quốc có tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, có quy mô 85 ha.
Các tên tuổi Việt cũng không tỏ ra thua kém trong cuộc đua đầu tư vào phân khúc nghỉ dương: Vingroup, Sungroup, FLC... Thực tế cho thấy, các dự án BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian qua có tốc độ bán khá tốt và hiện có nhiều tiềm năng phát triển.
Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup đã khá thành công với thương hiệu Vinpearl Premium (Vinpearl Premium Đà Nẵng, Vinpearl Premium Nha Trang Bay, Vinpearl Premium Golf Land - Nha Trang và Vinpearl Premium Phú Quốc).
Dự án có tổng quy mô gồm 1.103 phòng khách sạn và 862 biệt thự biển, trong đó mỗi căn biệt thự biển có diện tích từ 333m2-1.400m2. Tuy mới mở bán được trên 4 tháng nhưng 75% số căn biệt thự ven biển của các dự án này đã bán hết.
Gần đây nhất, UBND Tp.HCM sau khi loại chủ đầu tư yếu kém đã chính thức lựa chọn Vingroup xây dựng Khu đô thị biển Cần Giờ trị giá 1,5 tỷ USD, với diện tích 821 ha.
Ông lớn địa ốc này cũng đang thực hiện nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng trải dài trên mọi miền đất nước.
Trên thực tế, BĐS nghỉ dưỡng không còn tập trung ở Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang mà đã trải dọc ven biển khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Hiện nay, một số địa phương nổi lên trong xu hướng đầu tư này là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yến, Bình Định,...
Nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều chay dua đầu tư BĐS nghỉ dưỡng
BĐS nghỉ dưỡng, du lịch thực chất là là một phân khúc cao cấp bao gồm nhiều dịch vụ kèm theo như khu vui chơi, mua sắm, casino... Theo đó, việc đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư kéo dài 5-7 năm, nhà đầu tư phải có năng lực quản lý thực sự.
Các chuyên gia Việt Nam nhận định, đây là loại hình BĐS mới, có những lợi thế "trời cho" của một quốc gia ven biển để phát triển. Trong khi ngành du lịch Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, chưa phát triển mạnh, do đó trong tương lai tiềm năng này còn rất lớn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, BĐS du lịch Việt Nam rất tiềm năng, có khả năng thu hồi vốn lớn. Cuộc chiến BĐS nghỉ dưỡng đang thu hút các nhà đầu tư nội, ngoại. Trên thực tế, bên cạnh các nhà đầu tư ngoại đầy tiềm lực về tài chính, đã có rất nhiều các doanh nghiệp nội đã nhanh chân thực hiện các kế hoạch tỷ đô, đặc biệt một số doanh nghiệp đã thành công.
Tại hội thảo "Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới", ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partner cho hay, BĐS hướng biển-du lịch là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong những năm 2015-2020 dựa trên những phân tích về bức tranh kinh tế Việt Nam và sự phát triển của ngành du lịch.
Theo ông Sơn: "Năm 2005 tầng lớp trung lưu mới mua căn nhà đầu tiên và ở khách sạn 2-3 sao. Đến năm 2014 họ đã đầu tư BĐS cho thuê lại và ở khách sạn 3-4 sao. Và đến giai đoạn 2020-2025 nhóm người này sẽ đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng để nghỉ ngơi và cho thuê".
Ở góc độ đòn bẩy chính sách giúp BĐS nghỉ dưỡng nổi sóng, Giám đốc Savills Hà Nội ông Matthew Powell nhận định, từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 được thông qua, đơn vị nhận được nhiều yêu cầu của khách hàng là người nước ngoài.
Theo ông, việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam là đòn bẩy giúp các phân khúc cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng bứt phá.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu cho hay,hiện có 500.000 người nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có khoảng 30.000 CEO cao cấp đang sống và làm việc tại Việt Nam. Vì thế, việc mở cửa cho người nước ngoài có thể tạo ra một làn sóng tiêu thụ nhà ở, căn hộ ở phân khúc cao cấp.
Nhất là, ần đây Chính Phủ đã cởi mở và "bật đèn xanh" cho các dự án du lịch có kèm theo các dịch vụ casino. Có thể nói, đây là nút thắt để kêu gọi các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào loại hình BĐS này.