Với cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế phục hồi, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh,... thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, 'miếng bánh' to này cũng không hề dễ ăn.
Tại buổi cập nhật thị trường với chủ đề 'Việt Nam, đã đến lúc đổ tiền vào bán lẻ, theo đại diện Công ty Tư vấn CBRE, với nhiều lợi thế ngành bán lẻ Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
Trên địa bàn 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, hiện nguồn cung diện tích bán lẻ đang gia tăng. Theo dự kiến, diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội vào cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 840.000m2, còn Tp.HCM là 600.000m2 và giá thuê trung bình tại Hà Nội hiện là 81 USD/m2, trong khi Tp.HCM là 95 USD/m2. Tính đến nay, tỷ lệ trống tại Tp.HCM đang ở mức 10%, con số này ở Hà Nội là 15%.
Mặc dù kinh doanh trung tâm thương mại tại Việt Nam chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng nhìn vào việc nhiều tên tuổi lớn cả nội lẫn ngoại đua nhau mở trung tâm thương mại có thể hình dung bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong 5 năm tới.
Giao thông thuận tiện hơn nhờ xây dựng các tuyến metro và các kết cấu hạ tầng lớn khác cùng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đơn vị tư vấn này kỳ vọng sẽ có một làn sóng nhà đầu tư rót vốn vào phân khúc này trong thời gian tới.
Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Theodore Knipfing cho biết, lương cơ bản của người Việt Nam đã tăng 15% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng thêm 10 - 15% trong năm 2016.
So với các nước trong khu vực, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất. Các trung tâm thương mại sẽ tiếp tục được xây dựng, cùng đó tỷ lệ người đi du lịch nước ngoài sẽ tăng theo từng năm và những rào cản thương mại được phá dở sẽ là những yếu tố tác động tích cực lên thị trường bán lẻ.
Aeon Mall có dự định xây hàng chục siêu thị lớn tại Việt Nam, gia tăng mặt
bằng bán lẻ trong thời gian tới. (Nguồn ảnh: Chí Cường).
Thực tế cho thấy, kinh doanh trung tâm thương mại tại Việt Nam chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ, song nhìn vào việc nhiều tên tuổi lớn cả nội lẫn ngoại như Vingroup đang xây cùng một lúc 20 trung tâm thương mại, trong khi Aeon Mall dự kiến phát triển cả chục trung tâm bán lẻ lớn tại Việt Nam… có thể hình dung bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong nửa thập kỷ tới.
Ông Theodore Knipfing cho rằng: "Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không tiến vào thị trường một cách ồ ạt, nhà đầu tư sẽ nghiên cứu và học hỏi từ những thành công của doanh nghiệp bản địa để áp dụng và chờ đợi thời gian thói quen mua sắm của người dân Việt Nam thay đổi”.
Thị trường bán lẻ không phải là bức tranh màu hồng
Báo cáo mới nhất về chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Nielsen cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng của người Việt trong quý III/2015 tăng nhẹ đạt 105 điểm. Thế nhưng, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng hàng đầu với 78% số người luôn ưu tiên cho mục tiêu tiết kiệm, với 86% số người được khảo sát cho biết họ đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong 12 tháng qua nhằm đề phỏng rủi ro trong tương lai.
Theo nhiều ý kiến, việc Việt Nam rớt hạng khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới ngoài yếu tố khách quan là nền kinh tế chưa phát triển ổn định đủ tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì vẫn còn nhiều trở ngại chủ quan như giá thuê mặt bằng vẫn cao, hơn nữa thói quen mua sắm của đại bộ phận người Việt Nam vẫn quen với chợ truyền thống và nhất là thủ tục hành chính còn rườm rà, không khuyến khích nhà đầu tư.
Song, các trở ngại này chỉ mang tính ngắn hạn, điều nhà đầu tư quan tâm về lâu dài là sức mua của thị trường. Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là tiềm năng nhờ các yếu tố như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập của người dân được cải thiện, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh…
Ông Theodore cho hay, để phát triển bền vững, giới đầu tư trong nước lẫn nước ngoài nên nghiên cứu thị trường và tìm hiểu thói quen của người tiêu dùng, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Chuyên gia của Cushman & Wakefield khuyến cáo: “Khi gặp gỡ các chủ đầu tư và các nhà phát triển bán lẻ trong chuyến công tác lần này tại Việt Nam, khá nhiều người đã hỏi tôi về các thương hiệu cao cấp nổi tiếng nào sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng, thị trường hàng hóa cao cấp chỉ chiếm 5% phân khúc thị trường bán lẻ. Nên tập trung vào thị trường 90 triệu dân Việt Nam và tìm cách tái định vị vai trò của các bạn đối với cuộc sống của họ, làm sao để thay đổi thói quen sinh hoạt và mua sắm của họ thì mới có thể phát triển bền vững. Đồng thời, phải trả lời được câu hỏi trung tâm thương mại/cửa hàng tiện ích/siêu thị của các bạn đã thu hút được người dân chưa? Chiếm bao nhiêu % thời gian trong cuộc sống của họ và có quan trọng đối với cuộc sống của họ không? Đó là những câu hỏi có tính then chốt đến chiến lược kinh doanh dài hạn".