Dù không phải là chiêu thức lừa bán bất động sản mới, nhưng môi giới địa ốc vẫn câu được khá nhiều khách nhờ bài bán nhà đất ngân hàng thanh lý.
Sự trầm lắng của thị trường cộng nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng trầm trọng đến công việc của dân môi giới địa ốc. Nhiều môi giới vì muốn thu hút được người mua nhà đất đã tung ra rất nhiều chiêu lừa bán tinh vi. Và chiêu lừa bán nhà đất ngân hàng thanh lý là một trong những phương án được sử dụng nhiều nhất.
Tại các điểm dừng đèn đỏ trên các cung đường hiện có rất nhiều môi giới địa ốc cắm chốt phát tờ rơi rao bán nhà đất giá rẻ do ngân hàng phát mãi. Những thông tin này cũng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… với hàng loạt lời chào mời hấp dẫn kiểu: “Ngân hàng thanh lý lô đất ở khu vực… với giá cực rẻ. Anh chị liên hệ ngay qua số điện thoại… để nhanh tay chớp lấy cơ hội”.
|
Một tài khoản facebook cá nhân đăng tin rao bán đất do ngân hàng phát mãi giá rẻ vô cùng hâp dẫn. |
Các lô đất này thường nằm ở khu vực vùng ven TP.HCM như Thủ Đức, quận 9, Bình Tân, Củ Chi, huyện Bình Chánh… với giá rao bán chỉ bằng 1/2, thậm chí là 1/3 so với mặt bằng chung của thị trường vì là tài sản được ngân hàng thanh lý. Song, trên thực tế đây chỉ là cái bẫy do môi giới giăng ra để sập bẫy những vị khách ham mua đất giá rẻ, những người mua thiếu thông tin, thiếu hiểu biết thị trường. Bởi, đa phần những lô đất giá rẻ này thường là đất vướng quy hoạch, đất nông nghiệp nằm xa trung tâm, đất không có sổ...
Là một trong những khách hàng đã mắc phải bẫy mua đất do ngân hàng phát mãi với giá rẻ, anh Trần Tấn N. (ngụ tại Tân Bình) cho hay, khi đang lướt facebook, anh đọc được thông tin ngân hàng Vietcombank đang thanh lý lô đất với giá chỉ từ 500-700 triệu/1 nền chừng 90m2 ở quận 12. Lúc này câu chuyện về một người bạn của anh từng kiếm được khoản hời lớn khi mua đất giá rẻ do ngân hàng phát mãi đã hiện lên và anh liền cầm điện thoại bấm số gọi cho người rao bán để hy vọng chớp được vận may.
Người nhận điện thoại là một nhân viên nữ đã nhanh chóng ra chiêu giới thiệu: “Lô đất này hiếm lắm mới có anh ạ. Bọn em phải canh mãi, chờ lúc ngân hàng họ bung ra là mua lại số lượng lớn nên mới có giá này để bán lại. Chứ anh thấy đất ở quận 12 giờ đã trên 2 tỷ/nền cả rồi. Nếu anh tin tưởng thì ngày mai đúng 8 giờ anh có mặt tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh gần nhất, em sẽ làm thủ tục cho anh đặt cọc ngay tại ngân hàng luôn”.
|
Chiêu lừa bán đất ngân hàng phát mãi luôn giăng khắp nơi khiến nhiều người sập bẫy. |
Nhưng anh N. đề nghị được đến tận nơi xem đất trước khi làm thủ tục mua bán thì nữ nhân viên lại hẹn gặp mặt trực tiếp tại quán cà phê để trao đổi cụ thể hơn về dự án. Tại buổi gặp, nhân viên môi giới không hề trình bày rõ về thông tin lô đất anh N. đang quan tâm, mà chỉ vòng vo diễn thuyết về việc khách hàng mua bất động sản ngân hàng phát mãi thì được lợi những gì. Khi anh N. cố gắng gặng hỏi thông tin cụ thể về sản phẩm mà mình quan tâm thì nữ môi giới lại đưa ra loạt danh sách dài 4-5 trang ghi tên các khách hàng đã đặt mua đất và thuyết phục anh nhanh chóng ký kết hợp đồng kẻo hết hàng.
Anh N. cũng đã tính đến việc sẽ đặt cọc 30 triệu cho 2 lô đất 90m2, giá 500 triệu và lô 120m2 giá 700 triệu thuộc các phường Thạnh Xuân và Thới An. Nhưng anh N. vẫn yêu cầu người này đưa đi xem đất trực tiếp cho chắc chắn. Vì thuyết phục khách hàng đặt cọc không thành công nên người môi giới này đành dẫn anh N. đi lượn một vòng khắp quận 12 rồi dẫn đến một vị trí vô cùng hẻo lánh của huyện Củ Chi. Điều này khiến anh N. vô cùng tức tối liền bỏ về ngay và không có chuyện đặt cọc hay mua bán gì xảy ra nữa.
Trường hợp tỉnh táo nhanh chóng rút khỏi cái bẫy mà môi giới bày sẵn ra như anh N. là rất may mắn. Thực tế đã có không ít khách hàng bị sập bẫy và mất tiền oan vào một dự án không hề có thật.
Theo thông tin chia sẻ từ Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), thông tin rao bán tài sản ngân hàng thanh lý sẽ được đăng tải công khai trên website cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng chứ không có việc rao bán bằng hình thức phát tờ. Vậy nên những thông tin rao bán đất do ngân hàng phát mãi qua tin nhắn, tờ rơi, băng rôn hoàn toàn là mạo danh để lừa dối người có nhu cầu mua nhà đất.
Luật sư Cường nhấn mạnh thêm: “Làm gì có chuyện đất ngân hàng thanh lý mà rao bán rầm rộ như bán rau. Năm nay thị trường khó khăn nên môi giới sẽ có rất nhiều chiêu để chiêu dụ khách hàng. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng hết mức với những bài quảng cáo đất đai giá rẻ hơn nhiều lần so với thực tế thị trường”.