Thị trường bất động sản (BĐS) Trung Quốc hiện đang gặp các thách thức lớn bởi sự dư thừa nguồn cung và chính phủ nước này đang nỗ lực vực dậy thị trường địa ốc bằng cách giảm bớt những điều kiện về thế chấp và cắt giảm lãi suất.
Với việc tiếp cận tín dụng dễ hơn và chi phí thấp hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho BĐS khu dân cư tại các trung tâm kinh tế lớn như Thâm Quyền và Thượng Hải hồi phục cũng như lan tỏa ra các TP khác. So với tháng 8 và tháng, giá nhà mới trong tháng 9/2015 đã tăng hơn. Vậy nhưng, sự bùng nổ xây dựng trong 2 năm qua đã dẫn đến lượng tồn kho nhà ở lên đến 424,7 triệu mét vuông, báo cáo mới nhất ngày 30/9/2015 cho biết.
Nhà phân tích kinh tế vĩ mô thuộc Bank of Communications Co. tại Thượng Hải Liu Xuezhi đánh giá: “Sự suy giảm trong đầu tư chính là yếu tố lớn nhất khiến đà tăng trưởng kinh tế hiện nay trở nên yếu kém. Tại một số TP lớn, tuy giá nhà đã tăng trở lại song kinh doanh và đầu tư ở một số TP hạng 2 và hạng 3 vẫn đang chịu áp lực".
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư liên doanh đầu tiên của Trung Quốc - China International Capital Corp. (CICC) nhận định, sự phục hồi đầu tư vào BĐS là rất quan trọng đối với Trung Quốc. Theo Nomura Holdings Inc, ngành công nghiệp BĐS đóng góp gần 30% GDP vào nền kinh tế Trung Quốc. Vì thế, chính sách nới lỏng tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất lần thứ 6 trong năm và bỏ trần lãi suất tiền tiết kiệm là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh trong công cuộc tìm ra động cơ tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, vốn được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm qua.
Cụ thể, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay từ 4,6%/năm xuống còn 4,35%/năm và lãi suất tiền gửi giảm từ 1,75%/năm xuống còn 1,5%/năm.
Nguyên nhân chính khiến BĐS Trung Quốc suy thoái là sự sụt giảm của dòng
vốn đầu tư.
CICC cho biết, lãi suất huy động hiện nay đã giảm xuống dưới mức lạm phát, đạt mức 1,6%/năm trong tháng 9/2015, nhờ vậy doanh thu trong lĩnh vực BĐS có thể vượt ngoài mong đợi trong quý cuối cùng của năm nay. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ chưa thể giúp nền kinh tế Trung Quốc vững vàng hơn.
Các chính quyền địa phương hiện cũng đang tìm cách nới lỏng các chính sách cho vay với mục đích giúp giảm tồn kho BĐS, trước khi các nhà phát triển BĐS tìm ra cách để tiêu thụ lượng hàng tồn kho của mình.
Nhà phân tích Alan Jin thuộc Mizuho Securities Asia Ltd. cho rằng, sự bùng nổ xây dựng từ năm 2013 đã dẫn đến lượng tồn kho BĐS lớn. Tại đô thị của Trung Quốc, diện tích nhà ở bình quân lên tới 24m2/người và với lượng tồn kho hiện nay thì diện tích này có thể lên tới 31m2/người. So với các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản là 35 m2/đầu người và Mỹ là 54 m2/đầu thì đây là mức bình quân rất cao.
Trưởng bộ phận kinh tế của Nomura China Zhao Yang nói: “Những gì Chính phủ có thể làm là cố gắng để ngăn chặn một sự suy giảm trong đầu tư BĐS”. Theo vị này: “Hiện tại đó là mục tiêu thực dụng nhất. Kích thích thị trường BĐS để phục hồi tăng trưởng kinh tế”.
Thực tế cho thấy, những nỗ lực của Trung Quốc đã có những hiệu quả ban đầu. Giới môi giới địa ốc cho biết đã có một sự gia tăng đột biến những người mua tiềm năng tại các dự án đang được bán tại các TP lớn của quốc gia này.
Một nhà quản lý về BĐS địa phương của Thâm Quyến, Yuecho chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng tình hình sẽ khả quan hơn trong năm tới. Nhờ các chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc, những người có thu nhập vừa phải cũng có thể mua được một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính của họ. Cùng đó, thị trường cũng sẽ phát triển tốt hơn".
Một báo cáo mới nhất cho biết, Vanke Co. - một trong những nhà phát triển BĐS niêm yết lớn nhất Trung Quốc đã tăng 7,5% giao dịch tại Trung Quốc đại lục và tăng hơn 1,7% giao dịch tại Hong Kong trong tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, một nhà phát triển địa ốc khác là Shui On Land Ltd cũng tăng 2,8% giao dịch của mình trong tháng 10/2015. Những nhà phát triển BĐS khác cũng cho hay, giao dịch nhà đất trong đầu quý IV đã có những tín hiệu tích cực.